IMF đánh giá cao ASEAN đã có biện pháp quyết liệt giảm thiểu tác động của Covid-19
Tổng Giám đốc IMF đánh giá cao các nước ASEAN đã có những biện pháp nhanh chóng, quyết liệt cả về tài khóa và tiền tệ để ngăn chặn và giảm thiểu tác động của Covid-19.
Ngày 24/4/2020, trong khuôn khổ Hội nghị Mùa xuân Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới (IMF/WB) 2020, bà Kristalina Georgieva - Tổng Giám đốc IMF đã chủ trì hội nghị bàn tròn với Thống đốc NHTW và Bộ trưởng Tài chính các nước hội viên khu vực ASEAN theo hình thức trực tuyến. Hội nghị là hoạt động thường kỳ trong khuôn khổ Hội nghị Mùa xuân và Hội nghị Thường niên IMF/WB. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng tham dự và phát biểu tại hội nghị.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng tham dự và phát biểu tại hội nghị. |
Tại hội nghị, bà Tổng Giám đốc IMF đã lắng nghe tình hình dịch bệnh tại các nước ASEAN, những khó khăn, thách thức mà các nước gặp phải và những đề xuất đối với IMF để hỗ trợ quá trình phòng, chống dịch bệnh và phục hồi tăng trưởng kinh tế sau dịch bệnh.
Tổng Giám đốc IMF đánh giá cao các nước ASEAN đã có những biện pháp nhanh chóng, quyết liệt cả về tài khóa và tiền tệ để ngăn chặn và giảm thiểu tác động của Covid-19, tăng cường hệ thống y tế, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ gia đình và người dân, đặc biệt là những nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá cao vai trò của IMF trong việc hỗ trợ các nước phòng, chống và ứng phó với tác động của Covid-19 thông qua các gói hỗ trợ tài chính khẩn cấp từ nguồn lực cho vay 1000 tỷ USD của Quỹ, thể thức hạn mức thanh khoản ngắn hạn (SLL) mà Quỹ mới thông qua nhằm hỗ trợ các nước đối mặt với rủi ro ngắn hạn, và phối hợp với Ngân hàng Thế giới, các ngân hàng phát triển đa phương và các nhà tài trợ song phương triển khai sáng kiến hoãn nợ cho các nước thu nhập thấp.
Thông báo về nỗ lực của ASEAN trong phòng chống đại dịch, Phó Thống đốc cho biết, tại hội nghị trực tuyến đặc biệt giữa các nhà lãnh đạo ASEAN về Covid-19 ngày 14/4/2020, lãnh đạo các nước ASEAN đã nhấn mạnh tình đoàn kết và tương trợ lẫn nhau giữa các quốc gia là chìa khóa thành công để các quốc gia vượt qua khó khăn và thống nhất ưu tiên đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, bảo đảm sức khỏe và sinh kế của người dân, hỗ trợ kịp thời và đối xử bình đẳng với công dân các nước ASEAN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong đó có lao động di cư với phương chậm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Phó Thống đốc cũng đã chuyển tải thông điệp này của các nhà lãnh đạo ASEAN tới các nhà lãnh đạo G20 tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTW G20 ngày 15/4/2020 và nhận được sự tán thành, nhất trí cao của Hội nghị.
Về phía Việt Nam, Phó Thống đốc cho biết các giải pháp quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh cùng với các biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã phát huy hiệu quả, giúp khống chế được sự lây lan và giảm nhẹ tác động của dịch bệnh, tăng cường và củng cố lòng tin của doanh nghiệp, người dân. Trong trường hợp dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng hơn trên toàn cầu và khu vực, Việt Nam sẽ tiếp tục các giải pháp chính sách nhằm tăng cường sức chống đỡ của hệ thống y tế, đảm bảo an ninh lương thực và hàng hóa thiết yếu, bảo đảm thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, nâng cao sức chống đỡ của khu vực doanh nghiệp, tăng cường an sinh xã hội, đồng thời biến thách thức Covid-19 thành cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế, tái cơ cấu hệ thống doanh nghiệp.
Phó Thống đốc đề xuất IMF, với vai trò là trung tâm của mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu, tăng cường hơn nữa hoạt động tư vấn, điều phối, phối hợp phản ứng chính sách toàn cầu để hỗ trợ các nước thực hiện những kế hoạch dự phòng nếu tình hình xấu đi. Đối mặt với rủi ro hiện hữu trong và sau đại dịch, Phó Thống đốc đề xuất IMF tăng cường tư vấn chính sách và hỗ trợ kỹ thuật, giúp các nước, khu vực trong việc tận dụng và tối ưu hóa các công cụ hiện có như quản lý luồng chu chuyển vốn (CFM), can thiệp ngoại hối (FXI), các cơ chế hỗ trợ thanh khoản khu vực như CMIM để ứng phó với dịch bệnh, bảo đảm thanh khoản và duy trì, củng cố sự ổn định tài chính. Phó Thống đốc cũng đề xuất IMF phối hợp với các tổ chức quốc tế trong việc xây dựng khuôn khổ chính sách, biện pháp và giải pháp nhằm khôi phục tăng trưởng kinh tế cho các quốc gia và khu vực ASEAN sau đại dịch.
Diệu Thùy