Huế: Cứu sống bé trai 2 tuổi bị hóc hạt lạc khi ăn xôi
Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế (Cơ sở 2) vừa phẫu thuật thành công, cứu sống một bé trai 2 tuổi trú ở huyện Gio Linh (Quảng Trị) bị hóc hạt lạc khi ăn xôi.
Chiều ngày 11/6, tin từ Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, các bác sĩ của bệnh viện vừa phẫu thuật cứu sống một bé trai 2 tuổi bị hóc hạt lạc khi đang ăn xôi.
Trước đó, vào khoảng 9h ngày 10/6, cháu Nguyễn Văn L. K. (2 tuổi, trú thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) đang ăn xôi thì đột nhiên ho sặc sụa, khó thở, nôn ra bọt hồng và tím môi từng cơn nên người nhà đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị thăm khám. Tại đây, các bác sĩ ghi nhận cháu Nguyễn Văn L. K. có triệu chứng lơ mơ, môi tím nhẹ, thở gắng sức và SPO2 94% nên tiến hành chụp cắt lớp vi tính lồng ngực cho hình ảnh viêm thùy trên phổi phải và hình ảnh nghi dị vật ở phế quản gốc phải.
Ngay sau đó, khoảng 13h15 cùng ngày, cháu Nguyễn Văn L. K. được đặt nội khí quản và chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế (Cơ sở 2).
Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế phẫu thuật cho cháu Nguyễn Văn L. K. |
Tại khu vực cấp cứu của Bệnh viện Trung ương Huế (Cơ sở 2) cháu Nguyễn Văn L. K. vẫn lơ mơ, thở gắng sức hai thì và thông khí giảm cả 2 bên phổi. Hình ảnh X –quang ghi nhận hình ảnh mờ thùy trên phổi phải, ứ khí rõ 2 phế trường và các bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế (Cơ sở 2) nhận định là trường hợp khẩn cấp, nguy hiểm đến tính mạng nên đã hội chẩn rồi đưa ra quyết định phẫu thuật cấp cứu.
Đến khoảng 16h30 ngày 10/6, kíp mổ với sự phối hợp giữa 2 khoa Tai Mũi Họng và Gây mê Hồi sức đã thực hiện phẫu thuật khẩn trương và cẩn thận. Kết quả kíp phẫu thuật đã lấy ra được dị vật là hai mảnh đậu phộng nằm ở phế quản gốc 2 bên.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân Nguyễn Văn L. K. đã tỉnh táo, tự thở và được chuyển về khoa Nhi (Bệnh viện Trung ương Huế) tiếp tục điều trị nội khoa.
Sau ca phẫu thuật, các bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng chia sẻ, đây là một ca lâm sàng hiếm thấy và rất nguy hiểm. Thông thường dị vật phế quản gặp chỉ ở một bên và phế quản bên còn lại sẽ thực hiện chức năng thông khí cho cơ thể nhưng trong trường hợp này dị vật mắc ở cả hai phế quản gốc nên tình trạng khó thở và suy hô hấp.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế, dị vật đường thở có thể dẫn đến tử vong hoặc gây ra những biến chứng nặng nề nếu không được xử lý kịp thời. Bệnh hay xảy ra ở trẻ em do thói quen ngậm đồ chơi hoặc trêu đùa trong lúc đang ăn uống.
Hà Oai