Hợp tác văn hóa xã hội trở thành trụ cột trong năm Chủ tịch ASEAN của Indonesia
Bộ trưởng Bộ Điều phối Phát triển Con người và Văn hóa Indonesia, ông Muhadjir Effendy nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển hợp tác trong lĩnh vực văn hóa xã hội giữa các nước ASEAN là nhằm tăng cường sự hội nhập và ý thức gắn kết giữa các nước với nhau.
“Trụ cột hợp tác này rất quan trọng để tăng cường nhận thức, tình đoàn kết, quan hệ đối tác và ý thức gắn kết người dân trong ASEAN,” ông Effendy phát biểu tại Diễn đàn Tham vấn Quốc gia về Trụ cột ASCC (Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN) ở Indonesia.
Hãng tin chính thức Antara đưa tin, Bộ trưởng Muhadjir Effendy nhấn mạnh thêm trụ cột hợp tác văn hóa - xã hội ASEAN sẽ nâng cao khả năng thích ứng và giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội trong cộng đồng ASEAN, cũng như những thách thức khác trong lĩnh vực phát triển con người và văn hóa.
"Tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức cộng đồng về trụ cột hợp tác văn hóa xã hội", ông Muhadjir Effendy nói.
Cũng theo ông Muhadjir Effendy, để đạt được mục tiêu đề ra, trụ cột hợp tác văn hóa xã hội ASEAN sẽ bao gồm các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, y tế, phúc lợi xã hội, phát triển làng xã và xóa đói giảm nghèo, nhân lực và môi trường.
Bộ trưởng Muhadjir Effendy đồng thời kêu gọi tăng cường nhận thức về các chương trình trụ cột văn hóa - xã hội của ASEAN, bởi đây là những vấn đề mang tính chiến lược, gần gũi với đời sống của người dân.
Ông Muhadjir Effendy cho rằng, “Tồn tại những thách thức trong việc nâng cao hiểu biết của công chúng như làm thế nào để biến trụ cột văn hóa xã hội ASEAN trở nên thực tế hơn, cũng như những lợi ích đối với cộng đồng”.
Với vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2023, Indonesia cam kết đưa lĩnh vực văn hóa - xã hội trở thành một trong những trụ cột ưu tiên mở rộng hợp tác giữa các thành viên trong khối.
"Indonesia sẽ nâng cao nhận thức về trụ cột văn hóa xã hội ASEAN. Một trong những chiến lược quan trọng là mở rộng phạm vi tiếp cận và sự tham gia của công chúng", ông Muhadjir Effendy nói.
Theo ước tính sẽ có hơn 50 cuộc họp được tổ chức tại Ban thư ký ASEAN trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Indonesia vào năm 2023. Indonesia cũng sẽ tổ chức một số sự kiện quan trọng trong thời gian đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN bao gồm Diễn đàn cơ sở hạ tầng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và Diễn đàn doanh nghiệp kinh tế sáng tạo ASEAN.
Bộ trưởng Muhadjir Effendy nhấn mạnh trong 55 năm qua, ASEAN đã đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình, ổn định khu vực và phát triển phúc lợi cho cộng đồng khu vực.
Trước đó, ông Muhadjir Effendy chia sẻ chính phủ Indonesia sẽ theo đuổi 6 vấn đề hợp tác văn hóa xã hội trong thời gian làm Chủ tịch ASEAN 2023.
Theo Bộ trưởng Bộ Điều phối Phát triển Con người và Văn hóa Indonesia, có 3 trụ cột hợp tác trong ASEAN là trụ cột chính trị và an ninh, trụ cột kinh tế ASEAN, và trụ cột cộng đồng văn hóa xã hội.
Trong đó, 6 vấn đề mà Indonesia ưu tiên trong năm giữ cương vị Chủ tịch ASEAN gồm sức khỏe, bảo vệ người lao động nhập cư, biến đổi khí hậu, giáo dục, quản lý thiên tai và phát triển nông thôn.
"Danh sách các ưu tiên và hoạt động vẫn chưa được chốt. Chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận để giải quyết các vấn đề quan trọng khác, đặc biệt là liên ngành, có thể trở thành thách thức đối với các ưu tiên quốc gia về phát triển con người", Bộ trưởng Muhadjir Effendy nói.
Hoạt động đầu tiên trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Indonesia là Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao vào tháng 1/2023. Hầu hết các cuộc họp cấp kỹ thuật sẽ được tổ chức tại Ban thư ký ASEAN ở Jakarta.
Lĩnh vực kinh tế trở thành điểm nhấn trên chặng đường phát triển 55 năm của ASEAN. Theo đó, tăng trưởng kinh tế của ASEAN năm 2012 đạt 6,2%, trong khi tăng trưởng toàn cầu chỉ ở mức 2,7%. Năm 2015 và năm 2018, tăng trưởng của khu vực lần lượt đạt 4,8% và 5,2%, cao hơn mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu lần lượt là 3,1% và 3,3%. Năm 2019, tăng trưởng kinh tế của ASEAN và tăng trưởng kinh tế toàn cầu lần lượt ở mức 4,6% và 2,6%.
Trong năm 2022, tăng trưởng kinh tế của khu vực ASEAN được dự báo sẽ đạt 5,1%, cao hơn mức tăng trưởng toàn cầu là 3,2%.
Minh Thu