Hợp tác lý tưởng giữa Hàn Quốc – ASEAN
Nhà nghiên cứu Malaysia cho rằng, Hàn Quốc và ASEAN có những cơ sở lý tưởng để tăng cường hợp tác giữa hai bên.
Nhà nghiên cứu Izzah Ibrahim từ Chương trình Nghiên cứu An ninh và Chính sách Đối ngoại (FPSS) tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (ISIS) Malaysia nhận định, xét theo tình hình địa chính trị và kinh tế, Đông Nam Á được xem là trung tâm chú ý trong các chương trình nghị sự về giai đoạn hậu Covid-19, cùng nhưng mục tiêu ưu tiên ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Theo bà Ibrahim, trên thực tế, các nước Đông Nam Á đã không còn xa lạ với vai trò trung tâm của khu vực nhất là trong lĩnh vực y tế cộng đồng.
Hàn Quốc tích cực hỗ trợ ASEAN trong phòng chống dịch Covid-19. (Ảnh: EPA) |
Nhờ năng lực của mỗi nước và toàn khối ASEAN, các quốc gia Đông Nam Á đã tham gia nhiều cam kết trong khu vực với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và từng có nhiều kinh nghiệm trong việc đối phó với các dịch bệnh như dịch SARS (“Hội chứng suy hô hấp cấp nghiêm trọng) và dịch MERS (Hội chứng hô hấp Trung Đông).
Hồi tháng Tám, Hàn Quốc nhấn mạnh coi trọng quan hệ với ASEAN, ủng hộ ASEAN phát huy vai trò trung tâm ở khu vực và sẽ phối hợp chặt chẽ với ASEAN trong thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực thuộc quan tâm và lợi ích chung.
Quan hệ đối tác ASEAN - Hàn Quốc đã phát triển đầy ấn tượng trong hơn 30 năm qua đặc biệt là việc Hàn Quốc cho triển khai Chính sách hướng Nam mới và nỗ lực của cá nhân Tổng thống Moon Jae-in nhằm thúc đẩy quan hệ với ASEAN trên ba trụ cột hoà bình - thịnh vượng - con người.
Chính sách hướng Nam mới được thực hiện trong 3 năm qua là nền tảng mở đường cho những cơ hội hợp tác mới giữa Hàn Quốc và ASEAN, cũng như mở rộng cơ hội để Seoul hợp tác với các đối tác trong khối ASEAN.
Các nước ASEAN đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ hiệu quả của Hàn Quốc dành cho ASEAN trong nhiều năm thông qua Quỹ Hợp tác ASEAN - Hàn Quốc (AKCF) với tổng số tiền tài trợ là 42.332.048 USD tính đến 30/9.
Hàn Quốc hiện còn là đối tác thương mại lớn thứ 4 của ASEAN với tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2019 đạt 156,5 tỉ USD và là nhà đầu tư lớn thứ 8 của ASEAN với đầu tư FDI từ Hàn Quốc vào ASEAN đạt 2,5 tỉ USD.
Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, nguồn hỗ trợ tài chính và năng lực cũng được điều phố qua AKCF và Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19. Cụ thể, Hàn Quốc đã đóng góp 1 triệu USD dành cho Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19, cũng như hỗ trợ đào tạo và cung cấp thiết bị vật tư, y tế trong phòng chống dịch.
Hồi tháng 10, trong cuộc họp trực tuyến của Ủy ban hợp tác chung ASEAN - Hàn Quốc (AKJCC), hai bên khẳng định trong thời gian tới, ASEAN và Hàn Quốc cam kết tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN - Hàn Quốc, thực hiện hiệu quả các Tuyên bố chung của Lãnh đạo Cấp cao, trong đó có Tuyên bố Tầm nhìn chung vì hòa bình, thịnh vượng và đối tác nhân dịp Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 30 năm quan hệ đối tác ASEAN - Hàn Quốc năm 2019.
Hai bên còn nhất trí hợp tác chặt chẽ trong triển khai thực hiện Kế hoạch Hành động ASEAN - Hàn Quốc giai đoạn tiếp theo 2021-2025, trong đó ưu tiên cho các hoạt động/dự án hỗ trợ ASEAN thực hiện thành công các mục tiêu về xây dựng Cộng đồng, tăng cường kết nối, thu hẹp khoảng cách, hợp tác phát triển nguồn nhân lực, tạo thuận lợi thương mại, đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), khởi nghiệp, thành phố thông minh, khoa học-công nghệ, sáng tạo, kinh tế số, an ninh mạng, văn hóa-giáo dục, điện ảnh, du lịch, môi trường, quản lý thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu…
Mới đây, cuốn sách mang tên “The New Southern Policy: Catalyst for Deepening Asean - ROK Cooperation” (tạm dịch: Chính sách hướng Nam mới: Chất xúc tác cho phát triển sâu rộng hợp tác Hàn Quốc – ASEAN) được Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (ISIS) Malaysia công bố cũng đã nói rõ những tác động từ Chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc đối với ASEAN.
Minh Thu (lược dịch)