"Hội nhập và cạnh tranh, cả ngành phát triển”
Năm 1995 là dấu mốc quan trọng của đất nước và của ngành Bưu điện. Việt Nam thoát khỏi bao vây cấm vận, bình thường hóa quan hệ với Mỹ, và bắt đầu đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
Năm 1995 cũng là năm kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ngành, 40 năm thành lập Tổng cục Bưu điện. Với những thành tích xuất sắc của các thế hệ trong chiến tranh cũng như những năm đầu Đổi mới, đặc biệt là số hóa và tự động hóa hoàn toàn tại tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước cũng như kết nối quốc tế, với truyền thống “Trung thành – Dũng cảm – Tận tụy – Sáng tạo – Nghĩa tình”, Bưu điện là ngành kinh tế - kỹ thuật đầu tiên đón nhận Huân chương Sao Vàng.
Đó là những thuận lợi, đồng thời cũng có rất nhiều thách thức khi tôi thôi nhiệm vụ Tổng Giám đốc VNPT để làm Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện vào đầu năm 1997. Nhiệm vụ đầu tiên là cùng tập thể lãnh đạo ngành tiếp tục phát triển, hiện đại hóa, mà trọng tâm là sớm đưa Internet vào Việt Nam, phát triển thông tin di động và thông tin vệ tinh.
Tổng cục Bưu điện đã hướng dẫn các doanh nghiệp chuẩn bị cơ sở vật chất, và cùng với các bộ, ngành trong Ban Điều phối quốc gia mạng Internet ở Việt Nam báo cáo, giải trình với lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước để quyết định mở cửa Internet. Và ngày 19/11/1997, Tổng cục Bưu điện chính thức công bố Việt Nam kết nối với mạng Internet toàn cầu.
Được sự ủng hộ của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Bưu điện bắt đầu đàm phán vị trí quỹ đạo vệ tinh, đàm phán với các đối tác và xây dựng đề án tiền khả thi để Việt Nam lần đầu tiên có vệ tinh viễn thông VINASAT 1 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tổng cục Bưu điện là Chủ tịch Ủy ban Tần số quốc gia đã quy hoạch tần số cho dân sự, quốc phòng và công an, chuẩn bị băng tần thông tin di động để cấp cho doanh nghiệp. Công tác thứ hai là chuyển từ thị trường bưu chính – viễn thông độc quyền doanh nghiệp sang cơ chế thị trường, mở cửa cạnh tranh. Đây là một quá trình phức tạp, khó khăn.
Khi đưa Internet vào Việt Nam, Tổng cục Bưu điện cùng 1 ngày đã cấp phép cho 4 doanh nghiệp (VNPT, FPT, NetNam và SaigonNet) để cùng cung cấp dịch vụ, tạo điều kiện cạnh tranh ngay từ đầu. Đó cũng là bước chuẩn bị cho việc mở cửa thị trường viễn thông phức tạp hơn nhiều sau này.
Tổng cục Bưu điện đã giới thiệu, hướng dẫn cho Công ty Điện tử Viễn thông Quân đội (sau này là Viettel) đưa công nghệ làm điện thoại qua Internet (VoIP) về Việt Nam, là đột phá khẩu mở cửa cạnh tranh thị trường viễn thông, và sau đó cấp phép, băng tần GSM cho Viettel để làm di động. Cạnh tranh viễn thông và Internet làm cho thị trường phát triển sôi động, giá cước giảm mạnh, chất lượng dịch vụ tốt hơn, và người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi, số lượng người dùng tăng lên rất nhanh.
Trọng tâm công tác thứ ba là cùng các bộ, ngành thúc đẩy hội nhập quốc tế mà đột phá là đàm phán để ký kết Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ (BTA). Đây là quá trình đàm phán phức tạp, gay go mà viễn thông và ngân hàng là hai lĩnh vực nhạy cảm nhất, rất khó mở cửa với nước ngoài. Tổng cục Bưu điện đã chủ động mở cửa cạnh tranh trong nước trước để các doanh nghiệp Việt Nam tập dượt cạnh tranh lớn mạnh lên, chuẩn bị mở cửa cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.
Đồng thời xây dựng lộ trình hợp lý để báo cáo Chính phủ và Bộ Chính trị chấp thuận. Và thực tế sau này, khi một số doanh nghiệp nước ngoài đã vào thị trường Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chiếm thị phần tuyệt đối, vừa đảm bảo lợi ích kinh tế, vừa giữ được chủ quyền và an ninh quốc gia của đất nước.
Tổng cục Bưu điện cũng tăng cường hợp tác quốc tế song phương và đa phương, đặc biệt là các tổ chức bưu chính và viễn thông quốc tế, tạo điều kiện để Việt Nam liên tiếp được bầu vào Hội đồng Điều hành của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) vào các năm 1994, 1998 và 2002. Và lần đầu tiên ở Đại hội Liên minh Bưu chính quốc tế (UPU) năm 1999, giành lại quyền quản lý tần số thuộc chủ quyền của Việt Nam trên toàn bộ vùng trời, kể cả Hoàng Sa và Trường Sa. Đồng thời tranh thủ sự hợp tác của các nước và các tổ chức quốc tế.
Trọng tâm công tác thứ tư là xây dựng chiến lược phát triển ngành và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để phát triển, quản lý thị trường cạnh tranh về bưu chính - viễn thông và thông tin di động.
Chiến lược “Phát triển bưu chính, viễn thông Việt Nam 2001 – 2010 và định hướng đến 2020” là chiến lược dài hạn đầu tiên được Chính phủ phê duyệt. Nghị định về Internet được ban hành với tư duy mới “Quản lý phải theo kịp yêu cầu phát triển” thay thế cho quan điểm “Quản đến đâu mở đến đó” đã thúc đẩy mạnh mẽ phát triển Internet ở Việt Nam. Lần đầu tiên Quốc hội ban hành một văn bản quy phạm pháp luật để quản lý ngành là Pháp lệnh Bưu chính viễn thông, tạo điều kiện để Tổng cục Bưu điện có hành lang quản lý và triển khai nhiều chính sách tác động mạnh mẽ đến thị trường về bưu chính, viễn thông, Internet và tần số vô tuyến điện. Khi đó đã phân định rõ doanh nghiệp bưu chính chủ yếu là cung cấp dịch vụ công ích, và các doanh nghiệp chuyển phát là cạnh tranh để phát triển năng động. Đồng thời thiết lập Quỹ Viễn thông công ích để xử lý công bằng cho các doanh nghiệp viễn thông cạnh tranh bình đẳng.
Chính sách cấp phép tần số, dịch vụ cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mới tham gia thị trường và giảm giá thành dịch vụ để tăng số lượng người dân có thể sử dụng cho đời sống và phát triển kinh tế - xã hội. Nhiệm vụ quan trọng và quyết định nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ và tổ chức bộ máy gọn nhẹ, hiệu quả, chỉ thành lập mới những đơn vị tác nghiệp như Trung tâm Internet Việt Nam, Nhà xuất bản Bưu điện, Trung tâm Quản lý chất lượng thiết bị và dịch vụ bưu chính – viễn thông; ở địa phương là các cục bưu điện khu vực.
Bộ máy gọn nhẹ, cán bộ tận tụy, nỗ lực hết mình, đoàn kết nhất trí, không tham ô, tham nhũng, không chạy chức chạy quyền, không gây sách nhiễu cho doanh nghiệp, dũng cảm, thuyết phục và bảo vệ cái đúng, thực hiện bằng được những biện pháp táo bạo góp phần đổi mới ngành, đổi mới đất nước. Uy tín của ngành, của Tổng cục Bưu điện được nâng lên với người dân, với xã hội và với lãnh đạo của đất nước. Đó là cơ sở để Tổng cục Bưu điện được nâng lên thành Bộ Bưu chính, Viễn thông.
Nhiều cán bộ trưởng thành từ chuyên viên hay cấp vụ đã được bổ nhiệm lãnh đạo Tổng cục Bưu điện, và gần 10 người sau này là lãnh đạo cấp Thứ trưởng của Bộ Bưu chính, Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông. Và điều quý giá nhất là cán bộ, viên chức Tổng cục Bưu điện dù đang công tác hay đã nghỉ hưu ở bất cứ nơi nào đều có tình người sâu đậm với nhau, được cán bộ công nhân viên trong toàn ngành và xã hội tôn trọng, quý mến. Đó có lẽ là niềm hạnh phúc lớn của cán bộ, công chức của Tổng cục Bưu điện.
Ngày 28/8/2008, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 97/2008/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet. Nghị định nêu rõ chính sách quản lý và phát triển Internet của Nhà nước là: Khuyến khích việc ứng dụng Internet trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội để nâng cao năng suất lao động; mở rộng các hoạt động thương mại; hỗ trợ cải cách hành chính, tăng tiện ích xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và bảo đảm an ninh, quốc phòng. Thúc đẩy việc ứng dụng Internet trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, trường học, bệnh viện, các cơ sở nghiên cứu và đưa Internet đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn pháp luật về Internet… Internet Việt Nam là một bộ phận quan trọng thuộc cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia, được bảo vệ theo pháp luật, không ai được xâm phạm. Bảo đảm an toàn, an ninh cho các hệ thống thiết bị và thông tin điện tử trên Internet là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, mọi tổ chức và cá nhân. |
Ngày 18/10/2001, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 158 phê duyệt "Chiến lược phát triển bưu chính, viễn thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020". Đây là chiến lược dài hạn đầu tiên về phát triển bưu chính – viễn thông được Chính phủ phê duyệt. Chiến lược đã xác định những quan điểm, mục tiêu, định hướng và giải pháp cơ bản để phát triển bưu chính, viễn thông và Internet Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế. Mục tiêu cơ bản của Chiến lược là phải phát triển nhanh để đến năm 2010 cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia có công nghệ hiện đại, có độ bao phủ rộng khắp trên cả nước với thông lượng lớn, tốc độ và chất lượng cao; mức độ phổ cập dịch vụ bưu chính, viễn thông và Internet của Việt Nam đạt mức trung bình của các nước trong khu vực; xã hội, người tiêu dùng được cung cấp các dịch vụ hiện đại, phong phú với giá cả thấp hơn hoặc tương đương các nước trong khu vực; xây dựng bưu chính, viễn thông thành ngành kinh tế mũi nhọn hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước. |
Bình Minh (ghi)