'Họ' FLC lội ngược dòng, tài sản ông Trịnh Văn Quyết có thêm hàng trăm tỷ
3 phiên liên tiếp gần đây, ngay cả khi thị trường giảm điểm kỷ lục cùng phần lớn các mã chứng khoán nằm sàn thì cổ phiếu 'họ' FLC vẫn đi ngược thị trường với những phiên tím lịm
Ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC. |
Đóng cửa phiên 26/4, loạt cổ phiếu này đều đồng loạt tăng trần và không có dư bán. Cụ thể, FLC tiếp tục tăng trần, đạt 7.280 đồng/cp. Đây là phiên tăng giá thứ ba liên tiếp của cổ phiếu này, trong đó có hai phiên tăng trần.
Như vậy, chỉ sau 3 phiên gần đây nhất, giá cổ phiếu FLC đã tăng thêm 17,60%, nhà đầu tư phần nào lấy lại những gì đã mất sau khi cổ phiếu này trải qua chuỗi 5 phiên giảm giá liên tiếp trước đó (trong đó có 2 phiên giảm sàn). Khối lượng giao dịch trong 3 phiên gần đây cũng tăng mạnh từ 6-20 lần so với 2 phiên ngày 20 và 21/4.
Không chỉ FLC, loạt cổ phiếu thuộc hệ sinh thái của doanh nghiệp này cũng có diễn biến tương tự trong 3 phiên gần đây. Cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros đóng cửa phiên 26/4 với mức tăng trần lên 4.350 đồng/cp. Đây là phiên tăng giá thứ ba liên tiếp của ROS với mức tăng 15,69%. Đáng chú ý, cả 3 phiên gần đây giao dịch của ROS đều tăng đột biến, khác hẳn với chuỗi 5 phiên giảm giá liên tiếp trước đó (trong đó có hai phiên giảm sàn).
Cổ phiếu ART của CTCP Chứng khoán BOS cũng tăng trần trong chuỗi 3 phiên tăng giá liên tiếp (2 phiên tăng trần), đạt 5.600 đồng/cp. Chuỗi phiên tăng giá này giúp thị giá của ART tăng thêm 24,4%. Trước đó cổ phiếu này phải trải qua chuỗi 4 phiên giảm sàn liên tiếp.
Dù không có được chuỗi 3 phiên tăng giá liên tiếp như những “người anh em”, nhưng cổ phiếu HAI của CTCP Nông dược H.A.I cũng kết thúc phiên giao dịch ngày 26/4 với mức tăng kịch trần. Đây là phiên tăng giá thứ hai trong 8 phiên gần nhất.
Cổ phiếu KLF của CTCP Đầu tư Thương mại và XNK CFS cũng tăng kịch trần lên 4.200 đồng/cp. Đây cũng là phiên tăng giá thứ ba liên tiếp của cổ phiếu này, trong đó có 2 phiên tăng trần. Trước đó, KLF cũng đã trải qua 4 phiên giảm sàn liên tiếp.
Dù thị trường giảm điểm kỷ lục, nhiều mã chứng khoán nằm sàn thì cổ phiếu 'họ' FLC trong những phiên giao dịch gần đây vẫn đi ngược thị trường với những phiên tím lịm. |
Một cổ phiếu khác trong hệ sinh thái này là AMD của của CTCP Đầu tư và Khai khoáng FLC Stone cũng được giao dịch với kịch bản tương tự, tăng trần trong phiên 26/4 và là phiên tăng giá thứ ba liên tiếp sau chuỗi 5 phiên giảm giá liên tiếp.
Mã cổ phiếu còn lại trong hệ sinh thái FLC là GAB của CTCP Đầu tư Khai khoáng và Quản lý tài sản FLC như thường lệ vẫn đứng giá tham chiếu do không có giao dịch kể từ cuối tháng 3.
Điều ngạc nhiên là 3 phiên ngược dòng gần đây của nhóm cổ phiếu “họ” FLC diễn ra trong bối cảnh thị trường trải qua thời điểm khốc liệt nhất với 2 phiên giảm sâu của VN-Index, trong đó có phiên giảm mạnh nhất kể từ đầu năm 2021.
Với 3 phiên này, dù đang bị tạm giam nhưng giá trị tài sản của ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch FLC) thông qua nắm giữ cổ phiếu, vẫn tăng thêm 252,290 tỷ đồng lên mức 3.184 tỷ đồng. Qua đó, ông Quyết đứng thứ 55 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/4, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tạm thời chấm dứt đà giảm điểm, VN-Index tăng điểm khá tích cực với mức tăng 30,42 điểm (2,32%) lên 1.341,34 điểm. Khối lượng giao dịch trên sàn HoSE đạt gần 696 triệu cổ phiếu với giá trị giao dịch hơn 19.800 tỷ đồng. So với hai phiên trước đó, sàn HoSE chỉ còn 9 mã giảm sàn, trong khi ghi nhận 214 mã tăng giá với 52 mã tăng trần.
Trong nhóm VN30, chỉ hai mã giảm giá là VCB của Vietcombank và VJC của Vietjet Air. Tuy nhiên cũng chỉ có duy nhất một mã tăng trần là VRE của CTCP Vincom Retail.
Hiền Anh
Sau “ngày thứ Hai đen tối”, thị trường có hồi phục theo đà “rút chân” của nến?
Do áp lực giảm điểm của thị trường chứng khoán Mỹ có thể khiến thị trường Việt Nam chịu áp lực rung lắc mạnh trong những phiên tiếp theo, ngừng bán tháo sẽ là giải pháp tốt hơn cho chính nhà đầu tư