HĐND Hà Nội: “Giá nhà hạ nữa dân cũng chẳng có tiền mua”
ĐB HĐND TP Hà Nội đưa ra nhận định tại buổi thảo luận tổ chiều 1/7.
“Tiền đâu mà mua?”
Đề cập đến các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, ông Nguyễn Đình Dương, ĐB huyện Từ Liêm cho rằng phải chú ý đến vấn đề chất lượng và hiệu quả. Rút từ bài học của năm 2009 do không kiểm soát được hiệu quả dẫn đến chất lượng thấp. Ngoài ra ông Dương cũng đưa ra cảnh bảo từ những dự án trọng điểm còn triển khai chậm, làm cho số vốn đội lên gấp đôi.
Nhiều ý kiến cho rằng không nên quá tập trung vào việc giải cứu BĐS hiện nay |
Cũng theo ĐB Bùi Huyền Mai, tổ Hà Đông lĩnh vực xây dựng cơ bản hiện có 38 dự án mới chưa khởi công. Trong đó 15 dự án chậm tiến độ do lỗi khách quan từ chủ đầu tư. Thậm chí có dự án tăng tổng mức đầu tư lên gấp 3 lần, nhiều dự án bị hứng chịu cảnh trượt giá. Như vậy hiệu quả sử dụng đồng vốn đang thực sự đáng lo ngại.
Đề cập đến vi phạm nghiêm trọng về lấn chiếm đất, ĐB Nguyễn Hoài Nam cho đây là thực trạng báo động trong công tác quản lý. Trước thực trạng nói nhiều đến việc giải cứu BĐS mà báo cáo của UBND TP nêu, ông Nam cũng lưu ý phải làm thật thận trọng chủ trương này.
“Một lãnh đạo ngân hàng nói với tôi, DN bây giờ như người ốm không uống được thuốc nữa rồi. Cứ uống vào là nhè ra. DN khó hấp thụ được vốn thực sự là điều bất ổn”.
Ông Nam khuyến cáo chủ trương biến nhà thương mại thành nhà ở xã hội chỉ nên “có mức độ thôi”. Bởi theo ông “dù giá nhà có 15 triệu hay có hạ thấp hơn nữa thì dân cũng chẳng có tiền mua”. Ngay cả với nhà đầu tư thứ cấp cũng đang tồn kho lượng hàng rất lớn.
Có cùng quan điểm trên, ĐB Lê Hồng Thăng, đoàn ĐB Hà Đông cũng cho rằng các giải pháp hiện nay đang nặng về giải cứu BĐS. Ông đặt vấn đề “tiền đâu mà mua nhà?” và cho rằng “cái này xa vời quá”.
“Nếu tính lương 18 triệu thì hai vợ chồng phải cống hiến vài chục năm mới đạt được. BĐS ở các địa phương khác tuy thất bại nhưng ít, còn ở Hà Nội thì thất bại chồng lên thất bại” – ông Thăng nói.
Số liệu “hơi màu hồng”
Trước những khó khăn của nền kinh tế thế giới và trong nước, ông Dương cho biết, DN nói chung đang gặp nhiều khó khăn, nhưng trên thực tế cũng có DN phát triển rất tốt. Ngược lại nhiều DN chỉ mở ra theo kiểu phong trào, giờ sẽ khó khăn và không tồn tại được. Những DN kiểu đó ngừng hoạt động và giải thể là chuyện bình thường. “Đây là thời điểm đào thải DN yếu kém”.
Từ thực tế nghiên cứu ông Dương đưa ra hai kịch bàn: Nếu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội thì mức tăng trưởng chỉ đạt 7,5%. Ngược lại nếu Chính phủ có những chính sách cởi mở hơn và Hà Nội nắm bắt thời cơ đó thì kết quả tăng trưởng có thể đạt trên 8%.
Nhiều ý kiến cho rằng, trước những khó khăn thực tế hiện nay, nguồn thu ngân sách của thành phố từ nay đến cuối năm khó đạt như chỉ tiêu đề ra. Trước thực trạng nhiều DN nợ đọng thuế, ĐB Mai đề nghị đối với các DN trây ì cần có biện pháp cương quyết.
Đề cập đến thực trạng khó khăn của DN hiện nay, ông Nam cho rằng số liệu công bố tại kỳ họp lần này “hơi màu hồng”. Bởi thực tế người lao động ở DN hiện thất nghiệp rất nhiều. “Chúng ta là công chức nên đỡ bị sức ép, còn người lao động ở DN không có tiền công. Chúng ta chưa có hệ thống điều tra một cách chính xác thất nghiệp là thế nào” – ông Nam đưa ra nhận định.
Ông cũng cho rằng , dù bức tranh kinh tế có sáng lên chút ít nhưng tổng dự toán thu sẽ không tăng. Trong khi đó chi thường xuyên lại cao hơn năm ngoái. Từ nay đến cuối năm bộ máy tiếp tục phình ra và có sự chồng chéo, rồi chỗ nào cũng thấy xin thành lập trung tâm. Chốt mảng công chức thì lại có dấu hiệu tăng viên chức… Theo ông Nam nếu không có những giải pháp quyết liệt hơn thì sẽ không thực hiện được nghị quyết đưa ra.
Quan ngại về kế hoạch thu ngân sách không đạt, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú đề nghị thành phố nên nghiên cứu lĩnh vực để đầu tư cho thỏa đáng. Ông đề nghị thành phố đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Chỉ cần 1000 tỷ thì “bộ mặt nông thôn sẽ khác”.