Hai thế hệ cùng mắc ung thư phổi: Bác sĩ chỉ ra thủ phạm
Nhiều trường hợp bố bị ung thư phổi sau đó lại đến con trai cũng bị ung thư phổi và đều có chung nguyên nhân đó là tiền sử hút thuốc lào, thuốc lá tới hàng chục năm.
Nhiều thế hệ có nguy cơ ung thư
Ông N.V.K, 56 tuổi, trú tại Thái Nguyên ho thường xuyên kéo dài cả tháng không đỡ. Khi đi kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán ông K. bị ung thư phổi giai đoạn 3. Khi nghe ung thư phổi, ông K. không thể nào tin. Cách đây 10 năm bố của ông cũng qua đời vì ung thư phổi.
Bác sĩ hỏi ra, bố của ông K hút thuốc lá, thuốc lào tới khi mắc bệnh. Bản thân ông K, cũng hút thuốc lá ngót 30 năm nay.
Dù biết rõ thuốc lá gây ung thư nhưng ông K. cho biết mình không bỏ thuốc được và quan điểm “không phải ai cũng bị ung thư, ai không may mới mắc” nên ông không bỏ thuốc sớm.
Đến khi nghe bác sĩ nói về ung thư, bản thân ông K. mới lo lắng và tiếc nuối. Không riêng gì ông K. hai con trai của ông 30 tuổi, 28 tuổi cũng hút thuốc cả bao mỗi ngày. Nghĩ tới tương lai bệnh tật, ông K, ân hận vì không nên tạo thói quen hút thuốc có cả nhiều thế hệ như vậy.
TS.BS Nguyễn Khắc Kiểm, trưởng khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện K cho biết trường hợp của ông K. không phải hiếm.
Sự ân hận, tiếc nuối cho sức khỏe và thời gian của mình cũng như là người thân trong gia đình luôn hiện hữu trên gương mặt đượm buồn của rất nhiều bệnh nhân ung thư phổi đang điều trị tại Bệnh viện K.
Bởi việc tránh xa thuốc lá hay từ bỏ thói quen này là vấn đề mỗi người hoàn toàn có thể chủ động làm được. Nhưng đa phần người bệnh điều trị ung thư phổi tại bệnh viện K lại chỉ từ bỏ thói quen này khi đã có dấu hiệu mắc bệnh.
Trong câu chuyện hàng ngày các bệnh nhân chỉ thường nhắc đến “Giá như ngày xưa bỏ thuốc sớm hơn ...”. Hay có bệnh nhân hút thuốc lá từ năm 18 tuổi, hiện giờ là được 15 năm, ngày hút nhiều nhất là 1,5 đến 2 bao thuốc. Biết thuốc lá có hại khi chuyển sang thuốc lá điện tử thì lại mắc ung thư phổi.
Bệnh nhân ung thư phổi điều trị tại BV K trung ương. |
Theo thống kê, mỗi năm trên thế giới có khoảng 2,09 triệu người mắc mới và 1,76 triệu người tử vong do ung thư phổi. Ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư thường gặp và có tỷ lệ tử vong cao thứ hai trong các bệnh nhân ung thư ở nam giới.
Năm 2020, Việt Nam có thêm 26.262 người mắc ung thư phổi và có hơn 23.000 trường hợp tử vong vì bệnh ung thư phổi, đây thực sự là con số đáng báo động.
Thủ phạm gây ung thư phổi
Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi. 90% bệnh nhân mắc ung thư phổi đều hút thuốc lá. Trong khói thuốc lá có khoảng 4000 hoạt chất gây độc hại cho cơ thể, đặc biệt chất 3-4 benzopyzen là chất gây ung thư rất rõ trong thực nghiệm.
Vì vậy có những bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư phổi nhưng họ không hút thuốc, mà có thể họ đã tiếp xúc với một số lượng đáng kể khói thuốc lá (hút thuốc lá thụ động, hít phải khói thuốc lá trong thời gian dài).
BS Kiểm cho biết có nhiều bệnh nhân bố hút thuốc lá 20 năm ung thư phổi, con hút thuốc lá và cũng ung thư phổi.
Họ đều là người có tiền sử thuốc lá, thuốc lào 20 năm nhưng lại nghĩ do di truyền. Thực tế, ung thư phổi chưa tìm được nguyên nhân di truyền và đa số do măc phải trong quá trình sống.
Các nguyên nhân chủ yếu từ thuốc lá, thuốc lào liên quan tới ung thư phổi. Trong thuốc lào, thuốc lá đều có chất độc hại gây ung thư phổi.
Ngoài ra, môi trường sống, các chất hoá học, bảo quản thực phẩm, thuốc trừ sâu, diệt cỏ đều là yếu tố tăng nguy cơ ung thư phổi.
TS.BS Đỗ Hùng Kiên, Trưởng khoa Nội 1, Bệnh viện K cho biết anh cũng gặp nhiều bệnh nhân ung thư phổi và bệnh nhân cho biết bản thân không thuốc lá, thuốc lào nhưng khi hỏi ra thì người bệnh sống chung trong gia đình có 2 thế hệ đều hút thuốc.
Thời gian phơi nhiễm thuốc lá thụ động lên tới 20 – 25 năm thì khả năng người hút thụ động cũng tăng nguy cơ ung thư như người hút thuốc lá chủ động.
BS Kiên cho biết việc hút thuốc lá và các bằng chứng gây cả loạt ung thư từ phổi, bàng quang, hạ họng, khoang miệng.
Ngoài việc hút thuốc lá chủ động thì người xung quanh cũng bị ảnh hưởng không kém gì người hút chủ động.
Trong gia đình có người hút thuốc lá 20 – 30 năm thì cần đi kiểm tra sàng lọc cẩn thận vì nguy cơ bệnh từ thuốc lá thụ động rất có thể xảy ra.
Khánh Chi