Hải Phòng chi hơn 165 tỷ đồng để thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025
Trong giai đoạn 2021-2025, TP Hải Phòng đặt mục tiêu cho chương trình mỗi xã một sản phẩm sẽ phát triển, nâng cấp và hoàn thiện hồ sơ đánh giá phân hạng cho 335 sản phẩm OCOP.
Nước mắm – một đặc sản của Hải Phòng. |
Ngày 9/3, UBND TP Hải Phòng đã phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) TP Hải Phòng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Hải Phòng.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm được triển khai trong giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, thực hiện tại 217 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, 7 quận của thành phố Hải Phòng.
Theo đó, việc triển khai chu trình OCOP, bao gồm: tuyên truyền, hướng dẫn về chương trình; nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm; nhận phương án sản xuất kinh doanh; triển khai phương án sản xuất kinh doanh; đánh giá, phân hạng sản phẩm và xúc tiến thương mại. Trong đó, tập trung phát triển sản phẩm, dịch vụ theo 6 nhóm gồm: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, thủ công mỹ nghệ trang trí, dịch vụ du lịch và điểm du lịch cộng đồng.
Trong giai đoạn 2021-2025, chương trình mỗi xã một sản phẩm đặt ra mục tiêu phát triển, nâng cấp và hoàn thiện hồ sơ đánh giá phân hạng cho 335 sản phẩm OCOP. Đồng thời củng cố và phát triển các tổ chức sản xuất kinh doanh, lựa chọn phát triển và cơ cấu lại từ 50-100 tổ chức kinh tế là các Hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể, hoàn thiện nâng cấp phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị cho ít nhất từ 150-200 sản phẩm có tiềm năng và khả năng thương mại…
Bên cạnh đó, rà soát kiện toàn lại hệ thống quản lý điều hành Chương trình OCOP từ thành phố đến quận, huyện, xã, phường, thị trấn; phấn đấu 100% cán bộ quản lý chương trình OCOP các cấp được đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ quản lý điều hành; 100% các nhà quản lý của các doanh nghiệp, Hợp tác xã, chủ độ có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình OCOP được đào tạo kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất kinh doanh.
Trong giai đoạn 2026-2030 đánh giá lại các sản phẩm của giai đoạn 2021-2025, hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng cho các sản phẩm tiềm năng thuộc các nhóm sản phẩm OCOP, tiếp tục hỗ trợ và phát triển mới các tổ chức kinh tế làm sản phẩm OCOP.
Theo phê duyệt, tổng kinh phí thực hiện chương trình OCOP của Hải Phòng giai đoạn 2021-2025 là hơn 165 tỷ đồng.
Thảo Nguyên