Hai nữ sinh đánh nhau: “Giáo dục văn hóa học đường phải đi từ những bài học thực tế”
Vừa qua trên mạng xã hội xuất hiện clip hai học sinh nữ đánh nhau, đáng nói xung quanh có nhiều học sinh cùng trường đứng xem, la hét, cổ vũ và quay clip.
Ngay sau khi clip này xuất hiện đã thu hút sự quan tâm của nhiều người nhất là khi lâu nay tại các trường đã triển khai tuyên truyền, giáo dục bộ quy tắc văn hóa ứng xử nhưng bạo lực học đường vẫn tiếp diễn.
Theo nội dung đoạn clip, hai nữ sinh sau vài lời qua tiếng lại thì lao vào đánh nhau, nữ sinh áo tím bị đối phương nắm tóc, liên tục tát vào mặt, cùng với đó là tiếng reo hò, cổ vũ của nhiều người khác nhưng không một ai can ngăn.
Được biết, hai nữ sinh đánh nhau trong clip là học sinh của Trường THCS Trường Thạnh (Q.9, TP.HCM).
Học sinh áo tím bị bạn tát liên tục (ảnh cắt từ clip) |
Liên quan đến sự việc, chiều 29/10 ông Phạm Ngọc Lưu - Hiệu trưởng Trường THCS Trường Thạnh thừa nhận học sinh đánh nhau trong clip là hai học sinh lớp 7 của trường.
“Chúng tôi đã nắm được sự việc và đã mời các em cùng phụ huynh liên quan đến làm việc. Các em cho biết trước đó có mâu thuẫn trong lời nói nên hẹn nhau ra bãi đất trống ở gần trường để nói chuyện và sau đó đánh nhau
Đi cùng còn có một nhóm học sinh khác, những em này đứng bên ngoài và quay clip và tung lên mạng xã hội.
Tại buổi làm việc các em cũng đã nhận ra lỗi sai của mình và hứa sẽ không lặp lại. Trước mắt, chúng tôi ổn định tâm lý của các học sinh và sẽ xử lý trên tinh thần răn đe và cho các em cơ hội sửa chữa”, ông Lưu cho hay.
Liên quan đến sự việc, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Phương Anh (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết: “THCS là lứa tuổi rất đặc thù về tâm lý nên việc giáo dục bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường chúng ta cũng phải chú ý đến tâm lý các em.
Đặc biệt, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về văn hóa ứng xử, xây dựng và triển khai quy định văn hóa ứng xử trong trường học, các cơ sở giáo dục cần đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng xử theo hướng cụ thể hóa các mục tiêu, hành động và có chế tài xử lý cũng như hình thức khen thưởng với các cá nhân vi phạm hay thực hiện tốt.
Giáo dục văn hóa học đường phải đi từ bài học thực tế chứ không phải lý thuyết sáo rỗng”.
Theo cô Phương Anh, để giáo dục văn hóa ứng xử học đường có hiệu quả ngoài giáo dục nhà trường thì giáo dục từ phía gia đình cũng rất quan trọng. Hơn ai hết, cha mẹ phải là những tâm gương về giao tiếp, về ứng xử chuẩn mực để con cái noi theo.
“Một thực tế là có những gia đình bố mẹ liên tục nói bậy, thậm chí chửi nhau, dùng bạo lực với nhau mà lại muốn giáo dục con về bạo lực học đường thì khó. Theo tôi, gia đình và nhà trường phải có mối liên hệ mật thiết với nhau trong việc giáo dục con chứ không thể phó mặc tất cả cho nhà trường”, cô Phương Anh cho hay.
Trước đó, Sở GD&ĐT TP.HCM đã đặt ra yêu cầu trong giai đoạn 2020-2021 có 100% trường học xây dựng, thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục theo quy định của Bộ GD-ĐT ban hành, phù hợp với điều kiện và đặc trưng của mỗi nhà trường.
Hằng năm có ít nhất 95% cán bộ, công chức, giáo viên, nhân viên và người học được tuyên truyền, phổ biến, học tập về văn hóa ứng xử trong trường học, gia đình và cộng đồng; có 95% cán bộ, công chức, giáo viên, nhân viên và người học, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, Đội Thiếu niên được bồi dưỡng nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và có năng lực tốt trong tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học; 95% cơ sở giáo dục thực hiện văn hóa và nếp sống văn minh trong trường học,… Trong giai đoạn 2022-2025, các chỉ tiêu nói trên đạt 100%.
Cũng theo thông tin từ Sở GD&ĐT TP.HCM, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về văn hóa ứng xử, xây dựng và triển khai quy định văn hóa ứng xử trong trường học, các cơ sở giáo dục cần đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng xử, trong đó Đề án nhấn mạnh, đổi mới phương pháp dạy học các môn học Đạo đức, Giáo dục công dân, Ngữ văn, Lịch sử, Pháp luật,… theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học.
Đa dạng hóa hình thức giáo dục văn hóa ứng xử thông qua các hoạt động tập thể, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, câu lạc bộ, cuộc thi, tọa đàm,…
Đồng thời, góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường; xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo…
Hoàng Thanh