Phát huy vai trò kinh tế tập thể, hợp tác xã trong trong thời kỳ mới
Thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) giai đoạn 2021 – 2030, Nghị quyết 56/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh về một số chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn Hà Tĩnh đến năm 2025, Liên minh HTX Hà Tĩnh đã phối hợp với các sở, ngành liên quan; các huyện, thành phố, thị xã; các tổ chức chính trị - xã hội tập trung nâng cao vai trò vị thế của thành phần kinh tế này.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Chủ tịch Liên minh HTX Hà Tĩnh cho biết, trong thời gian qua, Liên minh HTX Hà Tĩnh đã phối hợp tổ chức 6 lớp tuyên truyền, tập huấn cho hơn 600 cán bộ các HTX, cán bộ các cấp huyện, xã về chính sách và hướng dẫn các thủ tục hỗ trợ chính sách; tập huấn về chuyển đổi số, xúc tiến thương mại và khoa học công nghệ; tạo điều kiện cho HTX tiếp cận với các chính sách nhanh chóng, hiệu quả hơn. Qua đó nhằm giúp cán bộ cấp huyện, xã, cán bộ và thành viên HTX nâng cao trình độ, nhận thức và hiểu rõ hơn chính sách về kinh tế tập thể.
Liên minh HTX Hà Tĩnh cũng đã tổ chức cho các HTX tham gia Hội nghị xúc tiến thương mại khu vực Miền Trung - Tây Nguyên tại Quảng Nam; kết nối với Trạm dừng nghỉ Xuân Khiêm (Ninh Bình) để giới thiệu 10 sản phẩm đặc trưng của Hà Tĩnh như: Nhung hươu Hương Sơn, Cu đơ Hà Tĩnh, Mật ong, Bưởi Phúc Trạch, Bánh đa ram… Ngoài ra còn tổ chức nhiều cuộc tham quan học tập kinh nghiệm mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
Từng bước xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong tỉnh; tác động gián tiếp thúc đẩy sản xuất, liên kết các hộ dân với doanh nghiệp trung gian thu mua, chế biến, xây dựng nhãn hiệu, phát triển thương hiệu.
Nhiều sản phẩm mang thương hiệu HTX Hà Tĩnh đã được người dân trong nước đón nhận như: Nước mắm Luận Nghiệp, Phú Khương (Thị xã Kỳ Anh), Nhung hươu Hương Luật, Mật ong Cường Nga (Hương Sơn), Bưởi Phúc Trạch, Cam Khe Mây (Hương Khê)... Một số sản phẩm đã được đưa vào tiêu thụ trong hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại có uy tín trong nước. Đặc biệt, bánh đa ram, miến gạo của Hợp tác xã Dịch vụ giết mổ gia súc Thạch Đồng đã xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản.
Để tạo điều kiện về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã cấp 5 tỷ đồng bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, nâng tổng số nguồn vốn của Quỹ lên trên 34,3 tỷ đồng. Lũy kế đến nay đã có 147 HTX được tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi với 251 lượt dự án, số tiền gần 85,6 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hùng, riêng 8 tháng đầu năm 2022, Quỹ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX đã giải ngân số tiền 4,3 tỷ đồng cho 9 dự án thuộc các lĩnh vực: chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản, tiểu thủ công nghiệp, vận tải, môi trường…, các dự án bước đầu sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
Đến nay, toàn tỉnh có 2.938 tổ hợp tác (THT), trong đó 2.697 THT hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (chiếm 91,8%); 91 THT hoạt động Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp (chiếm 3,1%); 81 THT hoạt động Thương mại dịch vụ (chiếm 2,75%) và 69 THT khác (chiếm 2,35%).
Nhiều THT đã mạnh dạn góp vốn, ứng dụng công nghệ để mở rộng sản xuất kinh doanh nên đạt hiệu quả kinh tế cao. Có 23 sản phẩm của 22 THT đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao (THT sản xuất rau củ quả Sâm Lộc xã Tượng Sơn, THT sản xuất Cam Ngọc Sơn (Thạch Hà), THT sản xuất bưởi Phúc trạch Anh Quân, THT sản xuất nấm Phúc Đồng, THT trồng cây ăn quả xóm 2 xã Phương Điền (Hương Khê).
Toàn tỉnh có 1.030 HTX (tổng số thành viên là 68.413 người, số lao động thường xuyên trong các HTX đến nay là 45.487 người), trong đó 948 hợp tác xã đang hoạt động, 82 HTX ngừng hoạt động, 62 HTX giải thể, 21 HTX thành lập năm 2022.
Trong số 1.030 HTX, có 121 HTX hoạt động tốt (chiếm 11,74%, có 26 Quỹ tín dụng nhân dân), 236 HTX hoạt động khá (chiếm 22,91%, có 6 Quỹ tín dụng nhân dân), 312 HTX hoạt động trung bình (chiếm 30,29%), 307 HTX hoạt động yếu (bao gồm 82 HTX tạm ngừng, chiếm 30%).
Vốn điều lệ bình quân 1.820.000.000 đồng/HTX; doanh thu bình quân đạt 992 triệu đồng/HTX; lợi nhuận bình quân đạt 121 triệu đồng/HTX, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên 4 triệu đồng/người/tháng. Có 286 HTX tham gia đóng bảo hiểm xã hội (đạt tỷ lệ 27,76%) cho 1.202 thành viên và người lao động. Nộp ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm đạt 29.399 triệu đồng (năm 2021 nộp 20 tỷ đồng).
Chủ tịch Liên minh HTX Hà Tĩnh chia sẻ, mặc dù vẫn còn những khó khăn, thách thức nhưng kinh tế tập thể, HTX vẫn có những bước củng cố và phát triển. Hiệu quả sản xuất của HTX tăng dần, hình thành nhiều mô hình hợp tác xã tiêu biểu, điển hình, quy mô lớn trên các lĩnh vực, áp dụng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, tạo ra nhiều sản phẩm mới có chất lượng, nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3, 4 sao.
Các HTX mới thành lập xuất phát từ nhu cầu thực tiễn nên sau khi thành lập hoạt động hiệu quả và thực chất hơn, từng bước khẳng định là nhân tố tích cực trong xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng ở địa phương trong thời kỳ mới.
BOX: Ngày 16/12/2021, tại Kỳ họp thứ 4, Khoá XVIII Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết số 56/2021/NQ-HĐND về một số chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn Hà Tĩnh đến năm 2025. Theo đó, sẽ hỗ trợ hàng tháng bằng 1,5 mức lương tối thiểu vùng, tối đa 59.110.000 đồng/1 lao động/năm, thời gian tối đa là 3 năm, tối đa 2 người/hợp tác xã đối với người lao động tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học về làm việc tại hợp tác xã; hỗ trợ 100% kinh phí học phí, tài liệu học tập, kinh phí ăn ở cho học viên bằng 1,5 mức lương tối thiểu vùng, nhưng số tiền hỗ trợ các nội dung trên tối đa không quá 79.110.000 đồng/năm/học viên/hợp tác xã. Ngoài ra, còn hỗ trợ khen thưởng 200 triệu đồng/hợp tác xã đối với những hợp tác xã được công nhận mô hình hợp tác xã kiểu mới tiêu biểu, điển hình trên các lĩnh vực, được thực hiện nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh. |
Trần Hoàn