Hà Tĩnh: Trúng lớn mùa ghẹ, ngư dân phấn khởi mỗi chuyến ra khơi
Tờ mờ sáng, ngư dân Lê Văn Hoàng (SN 1980, trú tại xã Cẩm Lộc, huyện Cẩm Xuyên) cập bờ tại khu vực biển Kỳ Anh (Hà Tĩnh) với 1 con thuyền đầy ghẹ. Đã gần 1 tuần nay, đội thuyền của anh Hoàng tất bật cả ngày lẫn đêm vì trúng đậm lộc biển.
Theo anh Hoàng, tuy đã cuối mùa ghẹ nhưng năm nay sản lượng vẫn rất dồi dào, thuyền nào ra khơi cũng đánh bắt được nhiều. Bình mỗi lần ra khơi, mỗi thuyền đánh bắt được khoảng 3 tạ ghẹ, thu về hơn 20 triệu đồng.
Cũng theo anh Hoàng, về mùa này ghẹ thường sinh sống ở vùng biển từ 8 – 10 hải lý, mực nước sâu khoảng từ 15m. Để đánh bắt ghẹ, ngư dân phải sử dụng những chiếc lồng hình tròn bọc lưới có trổ cửa, được kết nối với nhau bằng sợi dây thừng. Trước khi thả xuống biển thì phải cho mồi vào bên trong để dụ ghẹ vào.
Sau khi đưa lên bờ, tùy theo kích cỡ mà phân ghẹ ra thành nhiều loại. Để ghẹ được tươi sống, bán được giá, trước khi cập bờ, ngư dân sẽ gọi báo cho thương lái đến thu mua tại chỗ. Do cuối mùa nên ghẹ chỉ có giá từ 70.000 đến 100.000 đồng/kg. Trừ chi phí xăng dầu, mỗi lần ra khơi ngư dân có thể thu về từ 15 đến 20 triệu đồng.
Sau khi nhập ghẹ cho thương lái, đội thuyền của anh Hoàng nghỉ ngơi đến khoảng 13h lại nhổ neo ra khơi. Công việc đánh bắt sẽ diễn ra suốt đêm, tuy vất vả nhưng mang lại thu nhập cao nên mọi người rất phấn khởi.
Còn ông Lê Thảo (SN 1974, thôn Vinh Lộc, xã Cẩm Lộc) thông tin, để đi đánh ghẹ, mỗi thuyền cần có 4 người (thuyền lớn thì 6 người). Ngư dân Cẩm Lộc thường xuất phát từ 12h trưa, sau khi thả lồng xong thì khoảng 5 giờ chiều. Đợi đến khoảng 1 – 2 giờ sáng của ngày hôm sau thì kéo lồng lên. Nếu bắt được nhiều thì phải quay vào bờ để bán, còn ít thì cho vào khoang để nuôi rồi neo thuyền lại đến chiều tối lại thả tiếp.
Cũng theo ông Thảo, thuyền của ông có 1.000 cái lồng, mỗi lồng cách nhau 20m và thường đánh bắt ở vùng biển Hà Tĩnh vì địa bàn này được đánh giá là có ghẹ ngon hơn. Vào mùa hè thì ngư dân phải đi ra từ 15 – 20 hải lý, còn mùa đông thì thuyền chỉ đánh cách bờ khoảng 10 hải lý rồi trở về.
“Ngày nhiều thì đánh được vài tạ, nếu ít thì cũng được 60 – 70kg. Cả xã Cẩm Lộc có 34 chiếc thuyền đánh ghẹ, đánh bắt được bao nhiêu thương lái thu mua bấy nhiêu, không bao giờ bị tồn đọng”, ông Thảo vui vẻ nói.
Chủ tàu Trần Quang Sáng (32 tuổi, thôn Tân Trung Thuỷ, xã Cẩm Lộc) chia sẻ, đội thuyền gồm có 7 người, đi thuyền dài 18m, rộng 6m, sử dụng 1.700 lồng để đánh bắt ghẹ. Tuỳ theo thời tiết, mùa hè thì có thể đi xa bờ đến 30 hải lý, còn mùa đông do gió mạnh nên thường đi gần hơn.
Theo anh Sáng, do phải giữ cho ghẹ tươi sống nên mỗi chuyến thường đi 2 – 3 ngày là phải vào bờ một lần để nhập hàng, bởi lâu hơn thì ghẹ sẽ bị gầy hoặc chết. Thông thường 10 đến 15 ngày mới ghé thăm nhà, riêng mùa hè đánh bắt xa bờ thì có thể 20 ngày mới về nhà một lần.
“Mình đánh ở khu vực nào thì cập bến ở đó, không nhất thiết về một chỗ, có thể vào Cửa Nhượng, Vũng Áng (Hà Tĩnh) hoặc Hòn La (Quảng Bình). Sau khi bán hàng cho chủ nậu thì lấy thêm nhu yếu phẩm rồi lại đi tiếp”, anh Sáng chia sẻ.
Cũng theo anh Sáng, mùa này gió bấc mạnh nên đánh được nhiều ghẹ hơn, có mẻ được 6 – 7 tạ ghẹ. Đi hai ngày về có thể thu được 1 tấn ghẹ, mỗi chuyến thu nhập từ 15 triệu đến 20 triệu đồng.
Ông Nguyễn Viết Đồng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Lộc (huyện Cẩm Xuyên) chia sẻ, toàn xã có 175 tàu thuyền đánh bắt thuỷ hải sản, trong đó có 35 tàu có công suất trên 90 CV, ngư dân chiếm 40%. Sản lượng đánh bắt đạt gần 3.000 tấn, chủ yếu ghẹ, ruốc, mực. Thu nhập bình quân lao động trên thuyền từ 150 triệu đến 200 triệu đồng/người/năm; chủ thuyền đạt từ 300 triệu đến 500 triệu đồng/năm.
Trần Hoàn