Hà Tĩnh: 350 lượt tàu bốc dỡ gần 600 tấn ruốc biển, ngư dân phấn khởi
Những ngày gần đây, các luồng ruốc biển (hay còn gọi là tép biển, moi biển) xuất hiện dày đặc, dạt vào gần bờ thuộc khu vực bãi ngang Hà Tĩnh. Nhờ đó, ngư dân các huyện Nghi Xuân, Thạch Hà, Cẩm Xuyên đã liên tiếp đánh bắt trúng đậm loài “lộc biển” này.
Thông thường, ruốc biển xuất hiện bắt đầu từ tháng 11 của năm nay đến tháng hết tháng 4 năm sau. Để bắt ruốc biển gần bờ, người dân thường dùng những tấm lưới loại dày, phía sau có túi rồi 2 người cầm 2 đầu để kéo. Hoặc sâu và xa hơn thì dùng thuyền gắn chiếc vợt lớn ở phía trước, trong quá trình thuyền di chuyển ruốc biển sẽ được thu vào trong vợt. Thời gian đánh bắt bằng thuyền bắt đầu từ khoảng 5 giờ chiều hôm trước đến rạng sáng ngày hôm sau.
Xã Xuân Yên (huyện Nghi Xuân) có khoảng 30 tàu thuyền ra khơi đánh bắt, mỗi ngày có thể thu về hàng chục tấn ruốc biển. Tổng sản lượng khai thác ruốc biển của bà con ngư dân ước đạt khoảng gần 65 tấn, trị giá gần 350 triệu đồng.
Ngư dân Trần Văn Hùng cho cho biết, từ trước tới nay rất hiếm khi ruốc biển xuất hiện nhiều như vậy. Chỉ sau một đêm ra biển, thuyền chúng tôi vớt được hơn 1,8 tấn ruốc, thu về gần 10 triệu đồng.
Tại xã Thạch Trị (huyện Thạch Hà), toàn xã có khoảng gần 60 thuyền chuyên khai thác loại hải sản đặc trưng của vụ cá Bắc. Hàng ngày mỗi tàu thuyền cập bờ mang về khoảng gần 1 tấn ruốc biển.
Ngư dân Nguyễn Xuân Tiến cho biết, nhờ thời tiết thuận lợi nên các luồng ruốc biển xuất hiện dày đặc. Vì thế, tàu thuyền không phải đi quá xa, chỉ cần ra cách bờ 500m là có thể khai thác được. Sau 2 ngày đánh bắt, tàu của chúng tôi đã mang về 4 tấn hàng, chủ yếu là ruốc biển.
Một chủ thuyền chia sẻ, ruốc biển được thương lái thu mua tại bờ với giá từ 6.000 đến 7.000 đồng/kg, nhưng do khai thác được số lượng lớn nên các tàu có thể thu về từ 15 triệu đến 20 triệu đồng/chuyến.
Tại vùng biển Cẩm Xuyên, ruốc biển dạt vào sát bờ, đỏ cả mặt nước nên người dân xã Cẩm Dương và khu vực lân cận gác bỏ mọi công việc, tập trung kín cả bãi biển, dùng lưới kéo loại nhỏ và các dụng cụ đánh bắt thô sơ cũng có thể vớt được cả tạ ruốc.
Ông Nguyễn Xuân Hùng (xã Cẩm Dương) thông tin: “Mặc dù nhà ở cách biển 1,5km, nhưng khi nghe tin, tôi cùng một người cháu cũng ra vớt ruốc. Chỉ sau một buổi sáng, hai chú cháu tôi đã vớt được gần 4 tạ ruốc biển”.
Cũng theo ông Hùng, những gia đình đông người lại có phương tiện vận chuyển thì thu nhập rất cao. Ruốc sau khi vớt lên thì có người đưa đi nhập luôn nên được giá, mỗi người có thể kiếm được gần 1 triệu đồng mỗi ngày.
Bà Chu Thị Thanh Thuỷ, Chủ tịch UBND xã Cẩm Dương thông tin, vừa rồi ruốc biển dạt vào khoảng 3 ngày, se đỏ cả mặt nước. Toàn xã có khoảng gần 130 hộ dân tham gia bắt ruốc, bình quân mỗi hộ bắt được từ 5 – 8 tạ, trong đó hộ nhiều nhất là khoảng 4 – 5 tấn. Tổng sản lượng toàn xã thu về đạt gần 100 tấn.
Ruốc sau khi đánh bắt được thương lái thu gom vận chuyển đến các cơ sở sản xuất mắm tôm, hoặc phơi khô dùng để nấu canh, xào khô. Đây là những thực phẩm rất ưa chuộng và không thể thiếu trong những bữa ăn của nhiều người dân miền Trung.
Thông tin từ Ban Quản lý các cảng cá Hà Tĩnh, thời gian gần đây, lượng tàu thuyền xuất - cập cảng cá Cửa Sót (Thạch Kim, Lộc Hà) đã bắt đầu tăng lên. Tính từ đầu tháng 11 đến nay đã có trên 350 lượt tàu bốc dỡ ruốc biển, tổng sản lượng ruốc gần 600 tấn.
Theo lãnh đạo Chi Cục Thủy sản tỉnh Hà Tĩnh, năm nay nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi, các nguồn lợi hải sản như: ruốc, ghẹ, tôm, cá các loại… xuất hiện tương đối nhiều, bà con ngư dân ra khơi đánh bắt được mùa, mang lại nguồn thu nhập đáng kể.
Qua thống kê bước đầu, từ giữa tháng 10-2022 đến giữa tháng 11-2022 của vụ cá Bắc năm nay, bà con ngư dân Hà Tĩnh đã đánh bắt được sản lượng các loại hải sản ước đạt từ khoảng 4.500 đến 5.000 tấn.
Trần Hoàn