Hà Nội: Tôm, thịt lợn giá rẻ bất ngờ, rẻ hơn trước giãn cách, chợ đầy ắp tươi ngon
Trái ngược với lo ngại giãn cách ít hàng, các chợ Hà Nội đầy ắp thực phẩm tươi ngon, giá thịt lợn chỉ bằng nửa giá siêu thị, tôm giảm giá 40-50.000 đồng/kg so với trước giãn cách
Người dân đi chợ bắt buộc phải có phiếu mới được vào mua sắm. |
Theo ghi nhận của PV Infonet, ngày 1/8, tại một số chợ dân sinh ở Hà Nội... sau 1 tuần Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, người dân đi chợ mua thực phẩm luân phiên theo ngày, theo giờ nên lượng người ra vào chợ không quá đông.
Tại chợ Đại Từ (Hoàng Mai), công tác phòng chống dịch khác hẳn so với thời điểm trước giãn cách, tất cả các quầy hàng đều được chăng dây, người bán và người mua được ngăn cách tiếp xúc bởi các tấm chắn nilon trong suốt.
Người dân đi chợ luân phiên theo ngày, theo giờ nên chợ không quá đông. |
Đi chợ ngày giãn cách, nhiều bà nội trợ lo ngại giá cả sẽ tăng, ít hàng do việc đi lại hạn chế. Thế nhưng ngược lại, tại các quầy hàng thực phẩm thiết yếu như rau xanh, củ, quả, thịt, cá đều đầy ắp, phong phú các loại, đa số có giá bán bình ổn, chỉ có một số ít loại thực phẩm tăng giá.
Hiện giá thịt lợn tại các chợ vẫn giữ nguyên như trước. Đơn cử, thịt ba chỉ có giá 130.000-140.000 đồng/kg, thịt mông 100.000 đồng/kg, sườn 130.000-150.000 đồng/kg, thịt chân giò 120.000 đồng/kg, bắp chân giò 150.000 đồng/kg, thịt thăn 130.000 đồng/kg…
Sau giãn cách 1 tuần, giá thịt lợn vẫn ổn định, hàng đầy ắp ở chợ. |
Tương tự, thịt bò riêng bắp hoa đắt hơn 50.000 đồng/kg hiện có giá 450.000 đồng/kg, còn các loại khác không tăng giá, như mông bò có giá 250.000 đồng/kg, thăn bò 270.000 đồng/kg, bắp bò 250.000 - 270.000 đồng/kg,...
Theo một tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Đại Từ cho biết, do người dân được phát phiếu đi chợ luân phiên nên lượng người đi chợ không đông. Nếu như bình thường chỉ bán đến 8h30-9h sáng là hết hàng nhưng bây giờ phải kéo dài thời gian bán hơn, có thể đến tận trưa hoặc chiều.
Các loại thịt gà, ngan vịt giá cũng vẫn bình ổn, đầy ắp. Gà ta nguyên lông giá từ 100.000 -120.000 đồng/kg; ngan lông khoảng 75.000 đồng/kg....
Đặc biệt giá tôm tươi rẻ hơn trước giãn cách 30.000-40.000 đồng/kg. |
Mặt hàng tôm tươi sống giá khá rẻ, tôm lớp loại nhỏ trên 40 con mỗi cân có giá 170.000 đồng/kg; loại to nhất chỉ 220.000 đồng/kg. Mức giá này rẻ hơn so với trước giãn cách từ 30.000-40.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, các loại rau, củ, quả cũng không tăng giá. Rau muống 8.000 đồng/mớ, bí xanh 23.000-30.000 đồng/kg, tùy loại; quả đậu xanh 20.000 đồng/kg, rau cải ngồng 15.000 – 20.000 đồng/kg; cà tím 20.000 đồng/kg, bắp cải 15.000 đồng/kg, mướp 13.000-20.000 đồng/kg....
Trứng gà dễ bảo quản và chế biến nên được nhiều người dân mua về sử dụng, giá trứng tăng mạnh nhất, hiện bán giá 45.000 đồng/chục trứng gà ta. |
Tuy nhiên, duy chỉ có trứng gà là tăng giá mạnh. Theo đó, trứng gà ta đồng loạt được bán với giá 45.000 đồng/chục quả, đắt hơn trước giãn cách 15.000 đồng; trứng gà công nghiệp giá 37.000 – 38.000 đồng/chục quả.
Hay các loại cam, quýt giá cũng tăng cao hơn trước do nhiều người có nhu cầu mua về để bổ sung vitamin C. Theo đó, cam sành có giá 60.000-70.000 đồng/kg, quýt có giá 55.000-60.000 đồng/kg.
Còn các loại rau củ vẫn đa dạng, phong phú ở chợ và đa số vẫn giữ giá ổn định. |
Tại buổi họp trực tuyến giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với TP Hà Nội diễn ra mới đây, bà Nguyễn Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, dù Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội nhưng đến nay, không xảy ra tình trạng thiếu hàng cục bộ. Hiện sức mua tăng khoảng 30% nhưng hàng hóa vẫn đảm bảo đủ cho người dân.
Theo bà Lan, tại các hệ thống phân phối như siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi… hàng hóa luôn dồi dào, giá cả ổn định. Nhiều siêu thị đã tăng lượng hàng gấp đôi so với bình thường để đảm bảo nguồn cung đầy đủ, phục vụ người dân Hà Nội. Người dân cũng rất bình tĩnh, không có tình trạng đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ.
Còn tại các chợ, lượng hàng hóa nông sản thực phẩm cũng rất dồi dào đáp ứng nhu cầu của người dân. Giá bán hầu hết các mặt hàng tại hệ thống chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại vẫn đang ổn định.
Minh Thư
'Phiếu đi chợ' ở Hà Nội mỗi nơi một kiểu
Phiếu đi chợ được phát theo ngày chẵn - lẻ, mua sắm theo khung giờ quy định và mỗi phiếu chỉ dành cho một người ra ngoài, sử dụng một lần vào chợ... đang được Hà Nội áp dụng để phòng chống dịch bệnh.