Hà Nội: Người phải tiêm vắc xin ở bệnh viện đăng ký như thế nào?
Nhiều người sau khi đi tiêm vắc xin Covid-19 tại phường được thông báo không đủ điều kiện, phải lên bệnh viện tiêm vắc xin nhưng không được hướng dẫn tiêm ở bệnh viện nào, đăng ký như thế nào?
Phản ứng sau tiêm vắc xin Sinopharm và cách xử trí
Giống các vắc xin khác, khi tiêm vắc xin Vero Cell của Sinopharm cũng có tác dụng phụ sau tiêm, các phản ứng tại chỗ hoặc toàn thân như sốt, đau mỏi cơ thể.
Theo ông Khổng Minh Tuấn – Giám đốc CDC Hà Nội, có nhiều người đến cơ sở tiêm chủng vắc xin tại phường không đủ điều kiện tiêm chủng được thông báo tiêm tại bệnh viện.
Việc sàng lọc trước tiêm như vấn đề đo huyết áp (đối với một số đối tượng) hoàn toàn hợp lý. Vì vậy, trong quá trình đo huyết áp sàng lọc trước tiêm nhiều người không đủ điều kiện.
Hoặc những người có bệnh nền như ung thư, hen suyễn, từng sốc phản vệ cũng được tư vấn phải tiêm tại bệnh viện.
Ông Tuấn cho biết việc đo huyết áp là chỉ số sức khoẻ quan trọng, nhiều khi chúng ta cho rằng huyết áp lên xuống bình thường. Nhưng khi chỉ số huyết áp và nhịp tim không ở tình trạng bình thường thì báo sức khoẻ có vấn đề vì vậy cần thận trọng khi tiêm vắc xin cho người bệnh. Vì có thể làm phản ứng sau tiêm trầm trọng hơn.
Vì vậy, hiện nay đối với Việt Nam chúng ta vẫn yêu cầu kiểm tra các chỉ số huyết áp, nhịp tim và các tình trạng của người bệnh có bệnh nền, bệnh mãn tính vì đây là người đã có giảm sút về sức khoẻ nếu không cân nhắc kỹ khi tiêm vắc xin sẽ làm cho phản ứng tăng lên, ảnh hưởng tới sức khoẻ người tiêm.
Thời gian khám sàng lọc, đo sinh hiệu không mất quá nhiều thời gian. Người dân trước khi được gọi đi tiêm cần chuẩn bị sẵn tâm lý đi tiêm chủng. Nếu người nào có sẵn máy đo huyết áp nên tự đo tại nhà. Nếu chuẩn bị tốt từ nhà thì chúng ta đến điểm tiêm khám sàng lọc là tiêm ngay.
Sàng lọc đo huyết áp trước khi tiêm vắc xin. Ảnh minh hoạ |
Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết thực tế có người có tình trạng tâm lý thay đổi khi đi tiêm, gặp nhân viên y tế nên ảnh hưởng tới chỉ số huyết áp. Có người cứ nhìn thấy bác sĩ là huyết áp tăng thì rất khó có thể tiêm được. Vì vậy, người trước khi đi tiêm cần chuẩn bị tốt tâm lý khi đến điểm tiêm để tránh kiểm tra tới 2, 3 lần huyết áp mới tiêm được.
Ông Tuấn cho biết với những người cao tuổi thực sự cần tiêm trong bệnh viện hoặc khi đi tiêm chủng được nhân viên hướng dẫn phải tiêm trong bệnh viện thì liên hệ tới trạm y tế xã, phường. Sau đó, trạm y tế xã, phường sẽ liên hệ với các bệnh viện để người đó được tiêm. Vì vậy, người già, có bệnh nền được khuyến cáo tiêm tại bệnh viện nên bình tĩnh. Có thể nhờ con cháu hỏi trạm y tế phường để được đăng ký tiêm tại bệnh viện theo đúng tinh thần như hiện nay.
Nhiều người cũng hỏi về việc vì sao đăng ký tiêm nhưng chưa được gọi đi tiêm, ông Tuấn cho biết việc đăng ký tiêm chủng được triển khai tại phường, tổ dân phố từ tháng 4/2021, trên cơ sở đăng ký đó thì chính quyền địa phương như trạm y tế, UBND phường lập danh sách lên phương án tiêm chủng theo thứ tự ưu tiên.
Việc tiêm vắc xin cho các đối tượng phụ thuộc vào nguồn vắc xin. Theo ông Tuấn, hiện Hà Nội được cung cấp hơn 4 triệu liều vắc xin trong khi đó nhu cầu thì rất lớn. Hà Nội cần khoảng 12 triệu liều vắc xin. Vì vậy, có nhiều người đăng ký tiêm chưa được gọi cũng không nên quá lo.
Trước đó, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã khẩn trương thực hiện xây dựng kế hoạch tiêm chủng vắc xin Covid-19 các đợt tiếp theo căn cứ đối tượng cần tiêm, đã tiêm, số lượng vắc xin Covid-19 được phân bổ đảm bảo minh bạch, đúng trường hợp, khẩn trương và tổ chức tiêm ngay sau khi nhận được vắc xin.
Đáng chú ý, trong đợt tiêm chủng vắc xin Covid-19 lần này, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu đối với 80.739 liều vắc xin của Pfizer chỉ thực hiện tiêm mũi một và tiêm cho các đối tượng còn lại tại đợt 11 thuộc các nhóm đối tượng ưu tiên chưa được tiêm chủng trong đó có người mắc bệnh mạn tính; người trên 65 tuổi; phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên.
Với nhóm đối tượng này, sau khi được giải thích nguy cơ/lợi ích nếu đồng ý tiêm chủng cần chuyển đến tiêm và theo dõi tại cơ sở y tế có khả năng cấp cứu sản khoa.
K.Chi