Hà Nội đau đầu vì gà lậu "cưỡi" Mercedes
Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Như Mai – Phó Giám đốc Sở Công thương – Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo 127 trong cuộc họp báo cáo kết quả 6 tháng thực hiện “Phương án ngăn chặn và xử lý nghiêm việc vận chuyển, tiêu thụ gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch không đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội” diễn ra ngày 28/6.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Đắc Lộc – Chi cục phó Chi Cục quản lý thị trường Hà Nội cho biết: Sau 6 tháng triển khai, Hà Nội đã kiểm tra xử lý được 155 vụ việc vi phạm về vận chuyển, kinh doanh gia cầm không rõ nguồn gốc, không có kiểm dịch; xử lý vi phạm hành chính hơn 279.000.000 đồng; tịch thu tiêu hủy hơn 27,5 tấn gà lông, 34 tấn sản phẩm gia cầm tươi sống và sản phẩm gà đông lạnh. Đã kiểm soát về cơ bản hiện tượng vận chuyển, tiêu thụ gà nhập lậu không rõ nguồn gốc.
Hoạt động ngăn chặn và xử lý việc nhập lậu gia cầm không rõ nguồn gốc còn gặp phải một số hạn chế, ông Lộc chỉ ra: Trứng và gia cầm giống nhập lậu đang diễn biến phức tạp, được chuyên chở trên nhiều loại phương tiện khác nhau. Giấy chứng nhận kiểm dịch không đầy đủ, rõ ràng; trộn lẫn gà nhập lậu với gà nội địa dùng hồ sơ kiểm dịch để vận chuyển gà vào địa bàn Thành phố một cách hợp lý.
Tình trạng nhập lậu gia cầm về cơ bản được kiểm soát. Ảnh: PT |
Ra quân xử lý tình trạng nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc nhưng vẫn chưa được kiểm soát triệt để nhập lậu con giống bà Mai bày tỏ: “Thời gian từ tháng 3 – tháng 5 là thời điểm người chăn nuôi tái đàn sau khi bán ồ ạt gia cầm Tết, nhu cầu giống gia cầm tăng cao, giống gia cầm trong nước chưa đáp ứng được bởi giá quá cao, giá gia cầm nhập lậu phát hiện lại quá rẻ”.
Tiếp nối vấn đề trứng và giống gia cầm diễn biến phức tạp bà Mai cho biết: “Giống gia cầm rất nhỏ không như gà thịt vận chuyển cồng kềnh. Mấy trăm con giống gia cầm đi xe khách rất đơn giản, bằng cách để dưới gầm xe khách, trên xe Mercedes 45 chỗ chứa được hàng nghìn con giống gia cầm. Đây là trở ngại rất lớn đối với cơ quan chức năng và chi cục thú y”.
Lãnh đạo sở Công thương khẳng định, trứng nhập lậu còn trà trộn với trứng sản xuất tại các trang trại trong nước, vì lợi nhuận, nhiều đầu nậu đã tinh vi sử dụng giấy kiểm dịch lô hàng trứng có xuất xứ trong nước để hợp thức hóa lô hàng nhập lậu. Trường hợp bắt giữ 117.000 quả trứng nhập lậu gần dây họ sử dụng phương thức này.
“Do kích thước nhỏ, lại quá giống với các sản phẩm trong nước nên việc kiểm soát nhập lậu chỉ có thể thực hiện về cơ bản chứ khó triệt để”, bà Như Mai phân trần.
Về các chốt kiểm dịch, bà Mai cho biết, "tôi có 2 đêm xuống trực tiếp chốt kiểm dịch ở Phú Xuyên lúc 2h sáng nhưng đều đã phải nhắc nhở. Đêm đầu tiên không có sự xuất hiện của cảnh sát tại chốt kiểm dịch, nếu không có mặt thì làm sao tiến hành kiểm tra và nhắc nhở, xử phạt những vụ vi phạm; đêm thứ hai thì chốt kiểm dịch thực hiện đầy đủ nhưng làm không nghiêm túc”.
Bà Nguyễn Thị Như Mai - Phó Giám đốc Sở Công thương phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: PT |
Có thông tin phản ánh, vẫn còn tình trạng nhập lậu gia cầm vào phân phối tại chợ Hà Vỹ dưới hình thức vận chuyển trên những xe công nông, xe lôi từ nhà dân ra chợ không có giấy kiểm dịch. Ban quản lý chợ giải thích là số gia cầm đã được kiểm dịch trước đó nên khi mang lưu thông tại chợ không cần giấy.
Nói về vấn đề này, bà Mai bức xúc : “Ban quản lý trả lời có xe công nông, xe lôi chở gia cầm từ nhà dân vào phân phối trong chợ không cần giấy kiểm dịch vì đã được kiểm dịch trước đó là thiếu trách nhiệm, không đúng quy định. Không có việc gia cầm vào chợ quá nhiều, phải cho chở gia cầm về tích trữ trong dân, bởi tôi cho rằng chợ Hà Vỹ chưa bao giờ trong tình trạng báo động về sự thừa gia cầm, không còn chỗ chứa gia cầm. Đấy là lời giải thích cho sự xuất hiện của gia cầm không rõ nguồn gốc đưa vào tiêu thụ mà thôi.”