'Gỡ' khó vốn cho doanh nghiệp, nhiều ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay
Từ đầu năm 2022 đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường đã tăng từ 2-4%. Theo đó, lãi suất cho vay cá nhân quanh 13% và doanh nghiệp tầm từ 8-10%. Cuộc đua tăng lãi suất huy động kéo theo lãi suất cho vay liên tục ở mức cao khiến doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa bởi khoản vay cũ chưa trả hết lại bị đội chi phí vay lãi, trong khi việc vay mới cũng không hề dễ dàng gì.
Nhất là trong giai đoạn cuối năm khi các doanh nghiệp rất cần vốn để sản xuất, kinh doanh.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán ACB cho biết, mặt bằng lãi suất huy động đã quay về thời điểm trước dịch Covid-19. Điều này dẫn đến lãi suất cho vay vọt lên rất cao, nhiều doanh nghiệp than phiền phải vay với mức lãi suất 15 - 16%/năm, đặc biệt là việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp cũng ngày càng lâm vào khó khăn hơn bao giờ hết.
Theo chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, các kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp đều đang bị tắc nghẽn, doanh nghiệp ngày càng khó tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, một phần do ngân hàng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng, một phần do doanh nghiệp không còn đủ điều kiện vay vốn.
Ngoài ra, thị trường chứng khoán liên tục lao dốc khiến các công ty cũng phải hủy kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn. Kênh trái phiếu đã bị tắc và huy động vốn không được, nhiều doanh nghiệp phải chạy vạy kiếm tiền để thanh toán lãi cho trái chủ khi đến kỳ hạn…
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng hành cũng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, nhất là sau thời gian xảy ra dịch Covid-19, mới đây, ngân hàng Agribank đã phát đi thông báo sẽ điều chỉnh giảm lãi suất cho vay. Đây là ngân hàng thứ 3 đã tuyên bố giảm lãi suất cho khách hàng.
Cụ thể, Ngân hàng Agribank sẽ giảm tiếp 20% giá trị so với mức lãi suất cho vay đang áp dụng cho các khoản dư nợ bằng đồng Việt Nam tại thời điểm 30/11/2022 đối với khách hàng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang gặp vướng mắc, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP.
Đối với dư nợ phát sinh từ 01/12/2022 đến 31/12/2022, ngân hàng giảm tối đa 20% so với mặt bằng lãi suất đang áp dụng với từng đối tượng, lĩnh vực.
Ngoài ra, khách hàng doanh nghiệp, cá nhân có dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, hoặc có mục đích vay vốn kinh doanh xăng dầu… cũng được áp dụng chính sách giảm lãi suất này.
Trước đó không lâu, để thể hiện cam kết của ngân hàng trong việc thực hiện các chính sách điều hành của Chính phủ, NHNN, nỗ lực vì mục tiêu phục hồi kinh tế sau đại dịch, ngày 24/11, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên công bố giảm lãi suất cho vay với mức giảm 1%/năm đối với các khoản vay bằng VND cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân hiện hữu, với thời gian triển khai từ 1/11 đến hết 31/12/2022.
Tuy nhiên, chính sách giảm lãi suất này Vietcombank không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá….
Tiếp đó, ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) là ngân hàng thứ 2 công bố giảm lãi suất cho 43.000 khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trên cả nước với 55.000 khoản vay sẽ được giảm lãi suất với số tiền lên tới 120 tỷ đồng.
Theo đó, từ nay đến 31/12/2022, HDBank giảm lãi suất cho vay lên đến 3,5%/năm đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp ở các nhóm ngành nghề khác nhau, với số tiền giảm lãi suất lên tới 120 tỷ đồng. Chương trình này được áp dụng đối với các khoản ký hợp đồng kể từ 1/11 đến 31/12/2022.
Để hỗ trợ thêm, ngân hàng cũng cam kết miễn, giảm các loại phí kèm theo như phí cam kết rút vốn, phí trả nợ trước hạn cho khách hàng.
Theo đại diện NHNN, NHNN trong quá trình điều hành luôn luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho các đối tượng ưu tiên, các tổ chức kinh doanh. Thực tế các lĩnh vực này từ đầu năm đến giờ tăng trưởng tốt, góp phần tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
NHNN đã có trần lãi suất cho vay ưu tiên, bảo đảm cho 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Các doanh nghiệp đủ điều kiện có thể tiếp cận với nguồn vốn với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường.
Theo lãnh đạo NHNN, mặc dù lãi suất cho vay tăng nhưng NHNN trong quá trình điều hành luôn luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho các đối tượng ưu tiên, các tổ chức kinh doanh. Các doanh nghiệp đủ điều kiện có thể tiếp cận với nguồn vốn với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường.
Theo thống kê của NHNN, tháng 10/2022, lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ bằng VND ở mức 8,4-9,9%/năm. Trong đó, lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 4,6%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa 5,5%/năm theo quy định của NHNN; ãi suất cho vay USD bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 3,2-4,5%/năm đối với ngắn hạn, còn đối với trung và dài hạn ở mức 5,2-5,7%/năm. Về tiền gửi, lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,2-0,3%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng. Đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 4,3-4,8%/năm. Đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng ở mức 5,4 -6,5%/năm. Đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng ở mức từ 5,6-6,8%/năm. Đối với kỳ hạn trên 24 tháng ở mức từ 6,2-6,7%/năm. |
Hải Yến