Giúp con 'miễn dịch' với các tác động tiêu cực của mạng xã hội
Thực tế cho thấy, nhiều học sinh sử dụng trang mạng xã hội để tạo ra hiệu ứng tốt cho quá trình học tập của bản thân như giao lưu, trò chuyện, kết bạn với bạn bè cùng trang lứa, trao đổi kinh nghiệm học tập, chia sẻ kỹ năng sống, khai thác tư liệu phục vụ học tập và học trực tuyến... Các em đã tỏ ra khá thuần thục các kỹ năng cơ bản khi sử dụng mạng xã hội với mục đích đúng đắn và mang lại hiệu quả thiết thực cho bản thân.
Tuy nhiên, không ít học sinh đã coi mạng xã hội như một nơi để giải trí, giết thời gian, tán ngẫu và thể hiện các hành vi xấu của mình. Trong những năm gần đây, nhiều vụ việc bạo lực học đường xảy ra ở các nhà trường phổ thông chủ yếu liên quan đến mạng xã hội. Từ việc quen biết trên mạng, các em lời qua tiếng lại trên thế giới ảo rồi dẫn đến ẩu đả ngoài thế giới thực.
Ngoài ra, còn có tình trạng sống ảo, a dua, đua đòi lối sống thiên về hưởng thụ khiến nhiều em phát triển lệch lạc về nhân cách.
Cho con dùng mạng xã hội từ rất sớm, chị Hà Thị Phương Thảo (Hà Nội) cho biết: “Việc của phụ huynh không phải chỉ đơn thuần bảo vệ trẻ tránh xa khỏi những rủi ro mà quan trọng hơn là cần trang bị cho trẻ những kiến thức và kỹ năng để có thể nhận thức được rủi ro và tự bảo vệ mình”.
Theo chị Thảo, khi cho con dùng mạng xã hội thì chị cũng lo lắng con bị bắt nạt, thậm chí bị bạn bè lôi kéo vào những trò chơi không lành mạnh. Vậy nên vợ chồng chị đã chủ động chia sẻ, giúp con nâng cao nhận thức về lợi ích cũng như nguy cơ tiềm ẩn trên thế giới mạng, tránh hiểu lầm rằng trên mạng không ai biết mình là ai.
“Tôi chủ động hướng dẫn, trang bị kiến thức, kỹ năng sống trên môi trường mạng và thống nhất với con về một số nguyên tắc sử dụng mạng xã hội an toàn. Tôi cũng chú ý kiểm soát, giám sát trực tiếp hoặc gián tiếp qua ứng dụng về việc sử dụng Internet của con để có thể can thiệp, điều chỉnh hoặc xử lý nếu xảy ra vấn đề một cách kịp thời”, chị Thảo chia sẻ.
Theo các chuyên gia an ninh mạng, không phải cha mẹ nào cũng đã có đủ nhận thức, kiến thức, kỹ năng, đủ thời gian để hướng dẫn con an toàn trên mạng. Vì thế chính các bậc phụ huynh cũng phải tự tìm hiểu, tự học tập qua các hình thức khác nhau để có thể trở thành người thầy của con trên thế giới mạng. Trong trường hợp không thể thực hiện được thì cha mẹ có thể cho con tham gia các lớp học, tiếp cận tài liệu về an toàn trên mạng. Chỉ khi trẻ được trang bị kĩ năng tốt hơn, có nhận thức đúng đắn về vấn đề an toàn trên mạng thì mới có khả năng "miễn dịch" với các tác động tiêu cực từ không gian mạng.
Hoàng Thanh