Phụ huynh hãy đồng hành cùng con khi tham gia môi trường mạng
Không thể phủ nhận những thuận lợi của việc học trực tuyến đem lại cho cả giáo viên và học sinh như thiết kế bài giảng sinh động, hình ảnh minh họa thú vị, nguồn kiến thức bổ trợ phong phú, thay đổi cách tương tác giữa giáo viên và học sinh, góp phần khắc sâu kiến thức,... Sau giờ học các em có thể thư giãn, giải trí bằng việc chơi game, xem phim hay đọc các trang báo, các tin tức thời sự để bổ sung vốn kiến thức xã hội.
Tuy nhiên, nếu không có sự quản lý chặt chẽ, định hướng và điều chỉnh kịp thời của phụ huynh thì vô tình những thông tin trên môi trường mạng có thể tác động xấu đến tâm sinh lý và hành động của các em.
Chị Nguyễn Ngọc Hân (Bắc Giang) cho biết cậu con trai út học tiểu học của mình đang tham gia học trực tuyến tại trung tâm tiếng Anh để tăng cường khả năng nghe nói với người nước ngoài.
“Một tuần con có 2 buổi học trực tuyến với người nước ngoài. Tôi luôn phải dành thời gian theo sát từng tiến trình học của con, bởi hễ mẹ bận không để ý là ngoài giờ học con lại tranh thủ vào mạng xem phim. Nhiều khi tôi thấy con xem những clip bạo lực trên mạng mà hết sức lo lắng, chỉ sợ con học theo”, chị Hân nói.
Nắm bắt được tâm lý của phụ huynh, đồng thời mong muốn bảo vệ tốt hơn học sinh trên môi trường internet, thời gian qua, lãnh đạo Trường Tiểu học Nam Hồng (Bắc Giang) rất chú trọng nội dung tuyên truyền cho học sinh cũng như phụ huynh những cách tự bảo vệ mình trên môi trường mạng.
“Ngay từ nhỏ, các em cần được hướng dẫn những kỹ năng để truy cập vào môi trường mạng một cách an toàn, giúp các em có thể tự bảo vệ chính mình. Điều này đòi hỏi một quá trình lâu dài, "mưa dầm thấm lâu" để những kiến thức đó trở thành kỹ năng sống cho các em. Chính vì thế trong chương trình học, chương trình ngoại khóa nhà trường cũng đưa nội dung bảo vệ học sinh trên môi trường mạng vào giảng dạy.
Chúng tôi tin rằng khi nắm được những kỹ năng tham gia internet thì học sinh sẽ tự tin hơn khi đối diện với nnhững nguy hiểm trên môi trường mạng”, lãnh đạo Trường Tiểu học Nam Hồng nói.
Bên cạnh giáo dục của nhà trường và các đơn vị có liên quan thì hơn ai hết các bậc phụ huynh cần dành nhiều thời gian để quan tâm, theo dõi con em mình khi các em tiếp xúc với môi trường mạng xã hội, không để các em sử dụng điện thoại, máy tính để lên mạng internet quá nhiều ngoài giờ học.
Phụ huynh hãy học và chơi cùng con trên mạng internet, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc trang bị cho trẻ em kiến thức, kỹ năng phù hợp theo từng lứa tuổi để trẻ em tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng. Cùng với đó là tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cùng với gia đình.
Trước đó, để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, đầu tháng 6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025". Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chương trình ở cấp quốc gia riêng về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Chương trình có mục tiêu bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em khi trẻ em tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động trên môi trường mạng và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật.
Chương trình cũng đặt mục tiêu trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em theo từng độ tuổi để biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng, trong đó gồm: Sử dụng mạng lành mạnh, an toàn; Tự bảo vệ mình khi tham gia tương tác trên môi trường mạng và cách thức nhận diện, thông báo, tố giác hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
Bên cạnh đó, chương trình sẽ truyền thông đến toàn xã hội, tập trung vào các đối tượng là cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ về kiến thức, kỹ năng hỗ trợ, định hướng trẻ em tương tác an toàn, lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. Thực hiện các giải pháp chủ động phòng ngừa, phát hiện các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; bảo đảm các điều kiện cần thiết để trẻ em được tham gia an toàn, lành mạnh trên môi trường mạng và có các giải pháp hỗ trợ phù hợp để trẻ phục hồi khi chịu tác động tiêu cực từ môi trường mạng.
Đặc biệt, chương trình cũng tập trung hình thành và phổ cập hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng của Việt Nam trên môi trường mạng đáp ứng nhu cầu học tập, giải trí của trẻ em trên môi trường mạng.
Hoàng Thanh