Trường học tạo “sức đề kháng” giúp học sinh chống chọi với rủi ro trên môi trường mạng
Trong xu thế phát triển ngày càng mạnh mẽ, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống xã hội của công nghệ thông tin, việc tìm hiểu, học tập của trẻ em trên không gian mạng ngày một thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, song hành với những tiện ích lành mạnh của không gian mạng là những nguy cơ ảnh hưởng xấu tới nhận thức của trẻ em. Do vậy, việc trang bị kỹ năng số là biện pháp hiệu quả nhất để bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tham gia không gian mạng.
Xác định rõ vai trò quan trọng trong việc hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội đến các em học sinh, thời gian qua, ban giám hiệu Trường THCS Quang Trung (thành phố Yên Bái) đã rất quan tâm việc giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn cho học sinh nhà trường.
Theo lãnh đạo trường THCS Quang Trung, nhà trường đã tổ chức đa dạng các hoạt động, chương trình văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, tổ chức tham quan, dã ngoại… tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho các em. Thông qua những chương trình đó, nhà trường lồng ghép tuyên truyền giúp học sinh nhận thức về những rủi ro, hệ lụy đến từ mạng xã hội để có cách tự bảo vệ mình trên không gian mạng cũng như trở thành những người dùng mạng xã hội thông thái.
Ngoài ra, thời gian qua, học sinh Trường THCS Quang Trung cũng được giới thiệu tổng quan chương trình "Be Internet Awesome - Em an toàn hơn cùng Google”, cùng tham gia thảo luận và trải nghiệm các chủ đề về an toàn trên mạng cho học sinh. Với chương trình này học sinh không chỉ được hướng dẫn mà còn kết hợp nhiều hoạt động và thảo luận, giúp học sinh phát triển kỹ năng tư duy, phân tích các dữ liệu trực tuyến.
Học sinh cũng được tìm hiểu về những chiêu trò lừa đảo, các mối đe dọa trực tuyến và cách phát hiện tin giả.
Có thể thấy, bắt nạt, lừa đảo, bạo lực trên không gian mạng đang là một trong những thách thức lớn trong bối cảnh toàn cầu hóa với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, đặc biệt trong quá trình chuyển đổi số. Chuẩn kỹ năng số cho học sinh dựa trên các yếu tố là an toàn và thông minh khi sử dụng mạng, hướng dẫn trẻ không chỉ tự bảo vệ mình an toàn mà còn có khả năng hỗ trợ, bảo vệ những người khác trên môi trường mạng.
Nếu những kỹ năng số được phổ biến tới tất cả trẻ em và cả những giáo viên thì trẻ em cũng sẽ có cơ hội được tiếp cận với những công nghệ số để tạo nên “sức đề kháng”, tự chống chọi được với những rủi ro trên môi trường mạng.
Hoàng Thanh