Nâng cao hiệu quả học online: 'Phải giảm thiểu thời gian học sinh ngồi nghe giảng trước màn hình'
Đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng một tiết học 45 phút có thể rút xuống 30 phút, giáo viên có thể gọi từng em, từng nhóm nhận xét và giáo viên kết luận. Như vậy, có nhiều sự tương tác, khắc phục được hạn chế khi học trực tuyến.
Trước những diễn biên phức tạp của dịch bệnh Covid-19, ngành giáo dục đã thích ứng và tổ chức dạy học trực tuyến từ năm học 2019 - 2020 cho đến tận bây giờ.
Thời điểm năm 2020, ngay từ khi bùng phát dịch Covid-19, ngành giáo dục đã yêu cầu các địa phương linh hoạt trong phương thức dạy học kết hợp trực tuyến, trực tiếp và dạy qua truyền hình. Trong đó, xác định dạy học trực tuyến không còn là giải pháp tạm thời mà là giải pháp lâu dài để thích ứng với dịch bệnh.
Nhưng rõ ràng, việc dạy học trực tuyến ở Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn, đường truyền bị ngắt kết nối là vấn đề không thể tránh khi học online, có rất nhiều câu chuyện “dở khóc, dở cười” khi dạy trực tuyến đã xảy ra.
Việc làm sao để tăng tương tác giữa học sinh và giáo viên, tránh tình trạng học sinh ngồi trước màn hình máy tính mà không hiểu gì hay làm sao dạy học trực tuyến hiệu quả đã khiến không ít các thầy cô giáo đau đầu.
Ảnh minh họa |
Liên quan đến những vấn đề trên, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) khẳng định khó khăn về công nghệ trong quá trình dạy học trực tuyến là có thật và cần có hệ thống quản lí việc học trực tuyến, hệ thống quản lí nội dung dạy học trực tuyến .
Bên cạnh đó, những hoạt động dạy học dành cho học sinh khi học trực tuyến theo các lớp học truyền hình ngoài đường truyền ổn định thì tương tác với hàng chục học sinh một lúc cũng là vấn đề, nhất là khi học sinh ở nhiều nơi khác nhau.
Khó khăn nữa là nguồn học liệu học trực tuyến của chúng ta chưa được thiết kế, xây dựng, hoàn thiện trong việc giúp học sinh có khả năng chủ động khai thác để học tập có hiệu quả trước khi vào lớp học trực tuyến.
Khó khăn cũng đến từ người tương tác. Các thầy cô hiện tại phải thiết kế bài học trực tuyến với giáo án khác với dạy trực tiếp. Khi tương tác trực tiếp, cô hỏi trò đáp, không có thời gian chết, việc hỏi đáp trong không gian lớp học thuận lợi hơn.
“Tôi mong muốn các thầy cô, nhà trường nghiên cứu kĩ tài liệu hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, đồng thời đổi mới phương pháp giảng dạy. Trong dạy học trực tiếp cũng không phải hỏi đáp liên tục với học trò. Tôi vẫn hay nói “một giờ học đổi mới phương pháp dạy học là một giờ học cơ bản tĩnh để học sinh có thời gian học tập tư duy độc lập và có thời gian trả lời câu hỏi thầy cô đưa ra thay vì hỏi tức thì và trả lời ngay”.
Muốn dạy học sinh phát triển năng lực, giờ học tích cực phải là giờ học cơ bản tĩnh, có thì giờ cho học sinh tư duy độc lập, trả lời câu hỏi thầy cô nêu.
Trong tài liệu hướng dẫn dạy học trực tuyến chúng tôi đã nêu rõ làm thế nào giảm thời gian giảng trên lớp học trực tuyến, cố gắng để học sinh lên lớp không phải chỉ ngồi nghe cô giảng như trên lớp học trực tiếp.
Hiện Bộ GD&ĐT cũng đã hướng dẫn thầy cô sản xuất video clip hỗ trợ học trực tuyến. Các video không cần tốn kém, trong 5, 10 phút gửi học sinh nghiệm thu với những câu lệnh rõ ràng. Như vậy, không phải ngồi trước màn hình để nghe cô giảng. Học sinh có thể chủ động nghe trước, khi lên lớp học trực tuyến giảm thiểu được thời gian ngồi nghe cô giảng bài”, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành nói.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, một tiết học 45 phút có thể rút xuống 30 phút. Lúc đó, học sinh trả bài cho cô trước khi khi vào lớp học trực tuyến, gọi từng em, từng nhóm, có thời gian trình bày, học sinh nhận xét và giáo viên kết luận. Như vậy, có nhiều sự tương tác, khắc phục được hạn chế khi cô hỏi đáp liên tục.
“Những điều này trong văn bản hướng dẫn đã có, mong các thầy cô nghiên cứu kĩ, xây dựng kịch bản dạy học trực tuyến phù hợp hơn để chủ động nâng cao được hiệu quả trong quá trình dạy học trực tuyến”, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành nói.
Thay vì kêu than vô ích, cha mẹ làm ngay các cách này giúp trẻ giảm hại mắt đau tai khi học online
Những ngày qua chị Xuân vô cùng lo lắng vì con gái lớp 3 liên tục nháy mắt, dụi mắt do học trực tuyến quá nhiều.
Hoàng Thanh