Gió, sóng biển Việt Nam có thể sản xuất điện được không?
Hỏi: “Cháu thấy bờ biển Việt Nam dài, sóng biển, gió biển dồi dào. Các cô chú cho cháu biết vậy có thể biến gió, sóng biển Việt Nam thành điện được không? Tiềm năng nặng lượng này như thế nào?- Nguyễn Văn Thắng (thangnguyenvan173…@gmail.com)
Trả lời: Theo sách 100 câu Hỏi – Đáp về biển, đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam của Ban Tuyên giáo Trung ương, biển có tầm quan trọng đặc biệt đối với chế độ và diễn biến thời tiết khí hậu ở nước ta. Biển Việt Nam là biển “hở”, lại nằm trọn trong vành đai nhiệt đới Bắc bán cầu nơi nhận được lượng bức xạ mặt trời trực tiếp nhiều nhất so với các vành đai khác trên Trái đất. Vùng biển Việt Nam nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình, sức gió mạnh và khá ổn định trong năm.
Sự biến đổi hoàn lưu khí quyển theo mùa dẫn đến các hệ thống thời tiết cơ bản lần lượt hình thành và hoạt động: mùa hạ và mùa thu là mùa bão, mùa đông và mùa xuân là thời kỳ gió mùa Đông Bắc. Vùng biển Việt Nam và Biển Đông nằm ở khu vực chịu ảnh hưởng của nhiều trung tâm tác động quy mô hành tinh quan trọng nhất: cao áp lạnh lục địa châu Á, cao áp nhiệt đới Thái Bình Dương, các áp thấp nóng và rãnh gió mùa phía Tây. Chính vì thế, ở Biển Đông và ven bờ Việt Nam gió được xem là một nguồn tài nguyên (mặt lợi ích) của nước ta, đặc biệt trong việc phát triển năng lượng gió (phong điện) ở vùng ven biển và trên các hải đảo.
Theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy tiềm năng sản xuất điện gió của Việt Nam lên đến 513.360MW/năm. Trong đó, tiềm năng phát triển điện gió của Việt Nam nổi bật ở một số tỉnh thành ven biển như: Thừa Thiên-Huế, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Ninh Thuận… Để thúc đẩy phát triển điện gió, năm 2011, Thủ tướng đã ban hành Quyết định về Cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam. Dự kiến tổng công suất nguồn điện gió sẽ đạt 1.000MW vào năm 2020 (chiếm 0,7% tổng lượng điện cả nước) và 6.200MW vào năm 2030. Chỉ trong vòng 1-2 năm sau khi có chủ trương phát triển điện gió, nhiều chủ đầu tư đã hăng hái đăng ký hàng loạt dự án với tổng công suất gần 5.000MW. Hiện nay cũng đã có một số nhà máy điện gió hòa vào điện lưới quốc gia.
Nhà máy điện gió Bạc Liêu đã hòa điện lưới quốc gia (ảnh TTXVN) |
Nằm trong vùng nhiệt đới, nắng nóng, nên ngoài nguồn năng lượng gió, nước ta còn có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời. Hiện nay năng lượng mặt trời ở nước ta đã bắt đầu được khai thác, sử dụng cho cuộc sống dân sinh trên một số hải đảo và vùng ven biển.
Ngoài ra, nước ta còn có tiềm năng về năng lượng biển (sóng, dòng chảy và thủy triều) - một nguồn năng lượng sạch, tái tạo trong tương lai. Là một vùng biển hở, chịu tác động mạnh mẽ của gió mùa, kéo theo là hai mùa sóng và dòng chảy mạnh theo hướng đông bắc và đông nam, nên khả năng tận dụng năng lượng sóng biển và dòng chảy biển là rất quan trọng về lâu dài, đặc biệt ở khu vực ven biển miền Trung. Các dạng năng lượng thủy triều tiềm năng ở nước ta cần chú ý khai thác là: năng lượng thủy triều ở khu vực ven bờ Quảng Ninh - Hải Phòng, nhưng ở quy mô nhỏ vì biên độ thủy triều nơi đây chỉ khoảng 4-5m.