Giật mình thấy con nói giọng búp bê, chui gầm ô tô do bắt chước video Youtube
Trẻ nhỏ rất dễ bắt chước theo những video thường xem trên Youtube, điều đó đặc biệt nguy hiểm khi trẻ xem các nội dung nhảm nhí, thiếu giáo dục, bạo lực hoặc độc hại.
Bố mẹ thất kinh khi con bắt chước video Youtube
Chị Nguyễn Thu Hà (35 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết cả hai vợ chồng chị đều không nói giọng địa phương nhưng con gái 4 tuổi của chị lại nóng ngọng và có giọng nói miền nam.
Sau khi tìm hiểu căn nguyên thì chị Hà tá hỏa phát hiện con học nói theo video về búp bê Chibi trên Yoube. Vậy là vợ chồng chị phải vất vả quản lý kênh Youtube và sửa giọng nói cho con gái từng chút một. Sau vài tháng, giọng của bé đã ổn dần nhưng thi thoảng vẫn nói giọng của búp bê Chibi.
Chị Hà chia sẻ thêm, không chỉ bắt chước giọng nói, con còn bắt chước các hành động trong video. Thậm chí, bé chỉ nói chuyện một mình với các con búp bê mà rất ít khi giao tiếp với bên ngoài. Một buổi chiều con có thể chơi cùng với 3, 4 con búp bê và giả giọng của các con búp bê đó.
Chia sẻ về tình trạng "nghiện" xem Youtube của con gái lớp 3, chị Ngô Quỳnh Hương (thành phố Phủ Lý, Hà Nam) cho biết con rất thích xem kênh Chị đại học đường. Cô bé xem đi xem lại từng video rồi thuộc luôn các lời thoại đó.
Điều chị Hương lo sợ nhất là con sẽ bị các video đó ảnh hưởng đến tâm lý và hành động hàng ngày. Chị đã cố gắng kiểm soát việc xem Youtube của con nhưng vẫn nhiều lần phát hiện con xem trộm hoặc sang nhà hàng xóm xem với bạn.
Hiện giờ chị Hương còn đau đầu thêm khi bé thứ hai mới 2 tuổi cũng "nghiện" điện thoại và các video trò chơi trên Youtube.
Mỗi lần tới bữa ăn là bé vật vã khóc mếu đòi xem các video về ô tô trong đó có nội dung để bánh ô tô lăn qua các đồ vật.
Học làm theo video, bé đổ thức ăn ra sàn nhà rồi lấy ô tô đồ chơi lăn qua lăn lại. Có lần chị Hương hú vía khi bé xếp đầy đồ chơi dưới bánh xe ô tô của gia đình để ở sân còn bé thì lăn vào gầm xe nghịch. Nếu vô tình người lớn không để ý sẽ nguy hiểm vô cùng khi khởi động xe.
Ảnh minh họa. |
Nên can thiệp sớm như thế nào?
Bác sĩ Phan Đình Hiệp – Bác sĩ gia đình tại Úc cho biết, việc trẻ nhỏ xem các kênh Youtube không có sự kiểm soát của người lớn rất nguy hiểm vì trẻ còn nhỏ chưa hiểu được hành vi nào tốt, hành vi nào xấu và chúng thường bắt chước để làm theo.
Trẻ luôn có tâm lý tò mò, có xu hướng muốn tự thực hiện và bắt chước mọi thứ để khám phá và luôn có cảm giác không thể thất bại. Do vậy, khi trẻ em xem các kênh video thiếu tính giáo dục hoặc đọc các thông tin xấu trên mạng sẽ khiến trẻ có những hành vi bắt chước, làm theo để khẳng định và thoả mãn tâm lý.
Hơn nữa, hình ảnh, âm thanh trong các chương trình trên mạng thường sinh động, hấp dẫn trẻ nên trẻ thường có xu hướng thích tiếp xúc với môi trường mạng hơn là khi ra mỗi trường thực tế.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng mạng xã hội ảnh hưởng tới lối sống của trẻ rất nhiều. Ví dụ một đứa trẻ 5 tuổi chúng sẵn sàng bắt chước các hành vi trên mạng, đặc biệt các hành động mang tính bạo lực.
Xem video trên Youtube nhiều có thể khiến trẻ gặp rối loạn hành vi, gặp ác mộng và khó ngủ do sợ hãi. Có những trường hợp trẻ xem các chương trình trên mạng rồi làm theo như các chương trình kinh dị, bạo lực, các chương trình có nội dung nhảm nhí.
Rất nhiều video nhảm nhí miêu tả ô tô nghiến đồ chơi xuất hiện trên Youtube. |
Về việc cha mẹ cần kiểm soát con xem các thiết bị công nghệ, Bác sĩ Phan Đình Hiệp cho biết rất khó để cấm cản con vì không chỉ bố mẹ Việt mà ở bất cứ nơi nào trẻ con cũng đang điều rơi vào ma trận của thiết bị công nghệ. Tuy nhiên, với trẻ dưới 5 tuổi cần xem các chương trình với sự kiểm soát của cha mẹ.
Thay vì cấm thì cha mẹ nên hạn chế vì thực tế nhiều chương trình trên Youtube cũng bổ ích, giúp trẻ có thể học tập như chương trình học tiếng Anh hay các chương trình giáo dục khác.
Đặc biệt, cha mẹ cần thường xuyên trò chuyện với trẻ nhiều hơn. Khi trẻ xem các chương trình có tính bạo lực và đáng sợ thì cần giải thích cho con hiểu đó là trên tivi còn ngoài đời thực lại khác.
Cha mẹ cần giải thích với trẻ rằng những hình ảnh đó không có thật nên không thể an ủi được chúng, bởi vì trẻ quá nhỏ để có thể phân biệt được sự khác nhau giữa tưởng tượng và thực tế.
Cha mẹ tìm đủ cách oái oăm “cai” điện thoại cho con, thực ra nên hiểu bản chất "căn bệnh"
Đau đầu không biết xử trí việc con "nghiện" điện thoại như thế nào, nhiều bố mẹ đã nghĩ ra cách "độc, lạ" khiến con nhìn thấy điện thoại là khóc thét.
Kim Chi