Giao thương trực tuyến tìm cơ hội xuất khẩu nhãn thu hút doanh nhân nước ngoài
Hội nghị giao thương trực tuyến quốc tế sản phẩm nhãn Việt Nam thu hút 70 doanh nghiệp quốc tế và 30 nhà vườn, hợp tác xã, doanh nghiệp nhãn của Việt Nam.
Ngày 13/8, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), UBND các tỉnh Hưng Yên, tỉnh Sơn La cùng một số cơ quan, tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước tổ chức “Hội nghị giao thương trực tuyến quốc tế sản phẩm nhãn Việt Nam 2020”.
Hội nghị nhằm hỗ trợ các nhà vườn, hợp tác xã, doanh nghiệp nhãn Việt Nam tăng cường tìm kiếm các cơ hội kinh doanh, xuất khẩu nhãn và sản phẩm nhãn ra thị trường quốc tế trong điều kiện các địa phương trồng nhãn và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn xúc tiến thương mại với nước ngoài vì dịch Covid 19.
Tiêu thụ nhãn gặp khó
Hội nghị đã thu hút sự tham gia của hơn 70 doanh nghiệp, nhà nhập khẩu nông sản từ Ấn Độ, Australia, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Malaysia, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc và trên 30 nhà vườn, hợp tác xã, doanh nghiệp nhãn đến từ 8 tỉnh, thành của Việt Nam là Bến Tre, Bắc Giang, Bình Dương, Hà Nội, TP.HCM, Hưng Yên, Lạng Sơn và Sơn La.
Hội nghị giao thương trực tuyến quốc tế sản phẩm nhãn Việt Nam 2020 |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, ngoài việc tiêu thụ mạnh tại thị trường trong nước, các sản phẩm nhãn Việt Nam đã được nhiều thị trường lớn và người tiêu dùng trên thế giới biết đến và đón nhận.
Việt Nam đã xuất khẩu nhãn tươi vào các thị trường có thứ hạng cao như Australia, Mỹ..., đáp ứng chuẩn các quy định của nước nhập khẩu như truy xuất nguồn gốc rõ ràng, sản xuất và xuất khẩu theo quy trình đáp ứng yêu cầu chất lượng…
Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên thế giới, nhiều doanh nghiệp Việt Nam không thể ra nước ngoài giới thiệu sản phẩm. Nhiều thương nhân, nhà nhập khẩu nước ngoài cũng không thể sang Việt Nam trực tiếp giao dịch với các nhà vườn trồng nhãn của Việt Nam. Do đó, ngay từ khi chưa vào vụ nhãn, Bộ Công Thương đã giao Cục XTTM lồng ghép nhiều hoạt động giới thiệu sản phẩm và doanh nghiệp cung ứng nhãn trong các chương trình giao thương trực tuyến chuyên đề nông sản, thực phẩm với một số thị trường nước ngoài…
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp Bộ NN&PTNT cùng các cơ quan liên quan hướng dẫn các địa phương áp dụng các mô hình trồng nhãn chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu; hướng dẫn doanh nghiệp sản xuất, chế biến nhãn nghiên cứu - áp dụng công nghệ bảo quản, duy trì chất lượng phẩm cấp và quả nhãn được lâu hơn, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm nhãn như: nhãn tươi đóng hộp, nhãn khô, các loại đồ uống nhằm phục vụ nhu cầu tiêu thụ đa dạng của người tiêu dùng nước ngoài.
Nhiều cơ hội cho quả nhãn Việt Nam
Cùng quan điểm với Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng cho biết, Sơn La và Hưng Yên là 2 tỉnh trồng nhãn lớn nhất miền Bắc Việt Nam chiếm khoảng 30% diện tích nhãn toàn quốc. Nhãn Sơn La, Hưng Yên có chất lượng cao và hình thức đẹp, hương vị thơm ngon được người tiêu dùng trong nước và quốc tế ưa chuộng và đánh giá cao. Sản phẩm nhãn Sơn La đã được cấp nhãn hiệu chứng nhận “Nhãn Sông Mã”. Nhãn lồng Hưng Yên đã được cấp chỉ dẫn địa lý, được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa “Nhãn lồng Hưng Yên hương vị tiến vua”…
Hội nghị thu hút hơn 100 doanh nghiệp cùng một số cơ quan, tổ chức, đơn vị xúc tiến tham gia. Do dịch Covid-19 nên hội nghị được tổ chức dưới thức trực tuyến |
Bên cạnh việc đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, trao đổi hàng hóa giữa các vùng, miền trong nước, Bộ NN&PTNT đã tích cực đàm phán, tháo gỡ rào cản kỹ thuật để mở cửa thị trường xuất khẩu trái cây ra thế giới.
Trao đổi tại hội nghị từ điểm cầu Hưng Yên, ông Bùi Thế Cử – Phó Chủ tịch tỉnh Hưng Yên khẳng định: “Tỉnh Hưng Yên cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp, thương nhân Việt Nam, Trung Quốc và nước ngoài kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà vườn của tỉnh Hưng Yên đưa sản phẩm nhãn lồng và long nhãn Hưng Yên đến với người tiêu dùng trên toàn thế giới; tỉnh sẽ phối hợp với doanh nghiệp vận tải, logictics để hỗ trợ việc vận chuyển nhãn và long nhãn và thực hiện các thủ tục thông quan tại các cửa khẩu phục vụ xuất khẩu với thời gian nhanh nhất và chi phí thấp nhất”.
Đánh giá về tiềm năng xuất khẩu sản phẩm nhãn Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán Công sứ, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cho rằng, hợp tác thương mại nông nghiệp giữa Việt Nam và Trung Quốc đã phát triển trong thời gian qua nhưng vẫn còn khiêm tốn so với con số thương mại về mặt hàng nông sản giữa Trung Quốc với thế giới. Do đó, thị trường Trung Quốc vẫn còn nhiều dư địa để nông sản Việt Nam, trong đó có nhãn và sản phẩm nhãn tăng cường xuất khẩu sang thị trường này.
Còn ông Moon Ki Bong, Chủ tịch Trung tâm Kinh doanh ASEAN tại Hàn Quốc đã chia sẻ với các doanh nghiệp và nhà vườn Việt Nam về cách tiếp cận thị trường Hàn Quốc đối với các sản phẩm giá trị gia tăng từ nhãn.
Theo ông Moon Ki Bong, để thâm nhập thành công thị trường Hàn Quốc, quả nhãn cần có độ tươi tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… Ngoài ra, Việt Nam cũng nên sử dụng công nghệ sinh học để đa dạng hóa các sản phẩm có nguồn gốc từ nhãn, từ đó đáp ứng được phong phú nhu cầu tiêu dùng của người Hàn Quốc.
Ngay sau Phiên toàn thể, các nhà vườn, doanh nghiệp Việt Nam đã được kết nối giao thương trực tuyến với nhà nhập khẩu quốc tế theo hình thức giao thương chung và giao thương riêng 1:1 theo phân nhóm mặt hàng và thị trường.
Tại đây, các nhà vườn, doanh nghiệp Việt Nam đã có cơ hội đặc biệt tốt để quảng bá, giới thiệu và chào bán đa dạng các sản phẩm nhãn, bao gồm trái nhãn tươi, nhãn sấy khô, long nhãn… tới những nhà nhập khẩu, phân phối từ nhiều nước tham gia hội nghị.
Thông qua hội nghị giao thương này, doanh nghiệp Việt Nam và các nhà nhập khẩu nước ngoài đã có điều kiện tìm hiểu rõ hơn nhu cầu, năng lực của nhau, tiến tới thỏa thuận các cơ hội hợp tác kinh doanh vì lợi ích của các doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch và xây dựng các chiến lược phát triển kinh doanh bền vững cho sản phẩm nhãn.
Diệu Thuỳ