Giai đoạn 2021-2025, cả nước phấn đấu có 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên
Mục tiêu giai đoạn 2021-2025, cả nước phấn đấu có 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 3% sản phẩm OCOP đạt 5 sao.
Ngày 27/4, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chủ trì hội thảo góp ý xây dựng khung Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) và các giải pháp thúc đẩy giai đoạn 2021-2025.
Đánh giá về Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương Nguyễn Minh Tiến khẳng định kết quả đã đạt được là rất khả quan. Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Chương trình OCOP quốc gia, đến nay tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã ban hành kế hoạch Chương trình OCOP cấp tỉnh.
Quang cảnh hội thảo góp ý xây dựng Khung chương trình và các giải pháp thúc đẩy chương trình Ocop giai đoạn 2021-2025. |
Giai đoạn 2018-2020, đã có 2.961 chủ thể đăng ký tham gia Chương trình với 6.210 sản phẩm. Cả nước hiện có 4.733 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên. Nguồn kinh phí huy động cho Chương trình OCOP của cả nước trong giai đoạn này là 22.845 tỷ đồng.
Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã được các địa phương triển khai hiệu quả như: Hội chợ OCOP thường niên của tỉnh Quảng Ninh, Chuỗi sự kiện kết nối sản phẩm các vùng miền của TP Hà Nội, Nhịp cầu xúc tiến thương mại và đầu tư gắn với OCOP của tỉnh Đồng Tháp... góp phần tạo sức lan tỏa, nâng cao hình ảnh sản phẩm và thương hiệu OCOP Việt Nam trên thị trường.
Mục tiêu giai đoạn 2021-2025, cả nước phấn đấu có 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 3% sản phẩm OCOP đạt 5 sao. Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình dự kiến là 57.000 tỷ đồng, được lồng ghép từ các nguồn khác nhau.
Đặc biệt, một trong những mục tiêu quan trọng đặt ra với chương trình trong 5 năm tới là đẩy mạnh áp dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực này.
Theo đó, cần xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình chấm điểm, phân hạng sản phẩm; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị OCOP gắn với giám sát – chứng thực của công tác quản lý nhà nước; thúc đẩy hệ thống thương mại điện tử OCOP, hình thành các sàn thương mại điện tử quy mô lớn, các kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng trực tiếp, đặc biệt là với các sản phẩm thủ công, sản phẩm đặc sản của địa phương.
Cùng với đó là việc nâng cao năng lực hệ thống hỗ trợ triển khai Chương trình OCOP thông qua việc xây dựng các trung tâm khởi nghiệp và phát triển sản phẩm OCOP gắn với chương trình khởi nghiệp, quảng bá, giới thiệu và thương mại sản phẩm OCOP ở các vùng trên cả nước, nhằm thu hút sự tham gia của các chủ thể, kết nối du lịch;
Xây dựng tiêu chí, tổ chức nâng cao năng lực bvà quản lý mạng lưới tư vấn nhằm xây dựng mạng lưới tư vấn Chương trình OCOP chuyên nghiệp, có kinh nghiệm, năng lực toàn diện, đoàn kết và thống nhất trong hỗ trợ triển khai chương trình trên cả nước. Nâng cao năng lực hệ thống các cơ sở đào tạo nghề cho lao động gắn với ngành nghề OCOP, bổ sung các quy định về đào tạo nghề (khung đào tạo nghề, độ tuổi học nghề…) để phù hợp với phát triển sản phẩm OCOP.
Ông Nguyễn Văn Chí - Phó chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội tập trung triển khai xây dựng “Trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch sinh thái của quốc gia tại Hà Nội”.
Theo đó, mỗi huyện, thị xã xây dựng ít nhất 1 trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch; Đồng thời, hỗ trợ phát triển Trung tâm bảo tồn nghề gốm tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm nhằm xây dựng thành trung tâm bảo tồn, phát triển sản phẩm gốm quốc gia của Việt Nam.
Mục tiêu đặt ra cho 5 năm tới của Hà Nội là công nhận thêm trên 50 làng nghề, nghề truyền thống; phấn đấu có 100 làng nghề, nghề truyền thống được hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác nhận quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể, 100% làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận thuộc danh mục được đánh giá tác động môi trường; thực hiện Kế hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025…
Thảo Nguyên