Gần 200.000 căn hộ nhà ở xã hội đang chờ “giải cứu”
Trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Xây dựng cho biết, đến thời điểm hiện nay việc phát triển nhà ở xã hội mới chỉ đạt khoảng 30% so với mục tiêu đề ra. Theo đó, mới hoàn thành bàn giao 186 dự án với 75.700 căn hộ, tương đương 3,78 triệu m2 sàn nhà ở.
Việc phát triển nhà ở xã hội được Bộ trưởng nhận định “tiến triển rất chậm, nhiều khó khăn, ách tắc”. Trong đó, nguyên nhân chính không bố trí được nguồn vốn ngân sách để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Lượng vốn ngân sách bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2018-2020 là hơn 1.200 tỷ đồng/9.000 tỷ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 13% so với yêu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội. Riêng năm 2018, Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ được giao 500 tỷ đồng nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được giải ngân.
Dự án nhà ở xã hội Brightcity ở Lai Xá, Kim Chung (Hoài Đức, Hà Nội) chậm tiến độ vì thiếu vốn khiến người mua nhà đứng ngồi thấp thỏm lo âu. Ảnh: Minh Thư |
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, với số vốn được giao 500 tỷ đồng thì Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ huy động thêm được 500 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội và chỉ cho vay đối với hộ gia đình, cá nhân (chủ đầu tư dự án không được vay nguồn vốn này).
Trong khi đó, nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội thì đến nay vẫn chưa được bố trí.
Theo người đứng đầu Bộ Xây dựng, không có nguồn vốn để tiếp tục cho vay sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng theo quy định tại Nghị quyết 02 của Chính phủ đã giải ngân hết vào cuối tháng 12/2016. Qua báo cáo của các địa phương cho thấy, hiện nay có 206 dự án nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 168.700 căn hộ, tổng diện tích khoảng 8.435.000 m2 đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công.
Trong đó có một số chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội có nhu cầu xin chuyển đổi sang dự án nhà ở thương mại; số lượng nhà ở xã hội hoàn thành, đưa vào sử dụng trong thời gian gần đây rất hạn chế. Chính quyền tại một số địa phương chưa quan tâm đến việc phát triển nhà ở xã hội, chủ đầu tư cũng chưa chủ động đầu tư xây dựng loại nhà ở có diện tích nhỏ, giá thấp; cơ cấu nguồn cung căn hộ nhà ở bị mất cân đối, các hộ nghèo, thu nhập thấp không đủ khả năng và điều kiện để cải thiện chỗ ở.
Bộ Xây dựng cũng cho biết, thời gian qua đã nhận được một số ý kiến của các Đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cử tri, kiến nghị Nhà nước sớm bố trí nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách theo quy định của pháp luật về nhà ở để tiếp tục cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án nhà ở xã hội đang bị ách tắc, cũng như sớm tạo điều kiện cho người nghèo, người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp được vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
Cụ thể, bổ sung vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội 3.000 tỷ đồng; cấp hơn 3.431 tỷ đồng cho các tổ chức tín dụng theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để bù lãi suất cho vay trong năm 2018.
Ngay sau đó, Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cũng có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm xem xét, chỉ đạo sớm giải quyết kiến nghị của Bộ Xây dựng, tạo điều kiện thực hiện hiệu quả chính sách nhà ở xã hội trong giai đoạn 2018-2020.
Theo HoREA, vướng mắc lớn nhất là Nhà nước chưa bố trí nguồn vốn từ ngân sách để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, do "danh mục chi thực hiện chính sách nhà ở xã hội" chưa được cập nhật, bổ sung vào Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28/08/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về danh mục được ưu tiên sử dụng vốn ngân sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 nên trong Nghị quyết chưa có danh mục chi này để Chính phủ có căn cứ thực hiện.
Thực tế cho thấy, có doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh triển khai hàng chục dự án nhà ở xã hội trên cả nước nhưng sau khi gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng dừng và khi chưa có gói tín dụng nào hỗ trợ cả chủ đầu tư và người mua nhà khiến doanh nghiệp này phải giãn tiến độ các dự án. Thậm chí, có một số dự án đã chậm bàn giao căn hộ rất lâu so với cam kết do thiếu tiền xây dựng.
Còn khi chia sẻ với PV Infonet, một doanh nghiệp cũng đã từng triển khai dự án nhà ở xã hội cũng tỏ ra ái ngại khi đơn vị này thiếu may mắn khi dự án chưa hoàn tất thì gói tín dụng 30.000 tỷ đã dừng khiến cả chủ đầu tư và người mua nhà đều rơi vào thế khó. Cuối cùng phía doanh nghiệp đã phải quyết định dành một nguồn tài chính để hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà, theo đó người mua chỉ phải trả lãi suất theo đúng như lãi suất ở gói vay ưu đãi 30.000 tỷ, phần còn lại chủ đầu tư sẽ hỗ trợ chi trả. Với cách này mới “giải cứu” được cả người mua lẫn chủ đầu tư.
“Nhu cầu mua nhà ở xã hội vẫn rất lớn, với kiến nghị bổ sung tín dụng cho phân khúc nhà ở xã hội của Bộ Xây dựng nếu được đáp ứng tôi nghĩ sẽ có nhiều dự án được xây dựng, điều này sẽ giúp cho nhiều người có thu nhập thấp có cơ hội mua được nhà”, vị này nói.