Forbes nói gì về Nord Stream-2 và hợp đồng trung chuyển khí đốt Nga - Ukraine?
Theo RIA Novosti, tạp chí Forbes nhận định, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với “Dòng chảy phương Bắc-2” (Nord Stream-2) đã “mất hết tác dụng” sau khi tranh chấp quá cảnh giữa Nga và Ukraine đã được giải quyết.
“Các tuyên bố trước đây rằng người châu Âu không nên mua khí đốt của Nga vì điều này sẽ làm gia tăng sự ảnh hưởng của Nga đến thị trường năng lượng. Bây giờ điều đó sẽ tương đương với việc “đốt 10% kho bạc” của Ukraine”, tạp chí viết.
Đồng thời tạp chí nhấn mạnh rằng, Ukraine - tác giả gọi là “Venezuela châu Âu” vì nền kinh tế suy yếu sau cuộc đảo chính năm 2014, hiện nay đã thu được rất nhiều nhờ thỏa thuận quá cảnh khí đốt. Vì thuế của Naftogaz chiếm tới 14% nguồn thu ngân sách năm ngoái.
Ấn phẩm này tin rằng, thỏa thuận trung chuyển khí đốt cho thấy Moscow và Kiev cũng có thể đi đến một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Donbass trong tương lai.
Mới đây, vào ngày 31/12/2019, Nga và Ukraine đã ký một gói thỏa thuận trung chuyển khí đốt trong 5 năm. Theo văn bản quy định lượng nhiên liệu bơm trung chuyển năm đầu tiên là 65 tỷ mét khối, những năm tiếp theo là 40 tỷ mét khối/năm. Kiev dự kiến sẽ nhận được hơn 7 tỉ USD trong giai đoạn này.
Kỹ sư thi công dự án “Dòng chảy phương Bắc-2” (Nord Stream-2). Ảnh: RIA. |
Trước đó, ngày 20/12/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký luật về ngân sách quốc phòng cho năm 2020, trong đó có điều khoản về các biện pháp trừng phạt chống lại dự án “Dòng chảy phương Bắc-2”. Đối với các công ty liên quan đến dự án này, dự kiến sẽ bị thu giữ tài sản ở Hoa Kỳ, đóng băng tài khoản trong các ngân hàng Mỹ và hủy thị thực. Hoa Kỳ yêu cầu các công ty ngay lập tức ngừng công việc xây dựng.
Dự án Nord Stream-2 liên quan đến việc xây dựng hai tuyến đường ống dẫn khí đốt có tổng công suất 55 tỷ mét khối khí mỗi năm. Đường ống sẽ đi qua lãnh hải hoặc các vùng đặc quyền kinh tế của Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức. Dự án trị giá 11 tỉ USD, một nửa do Tập đoàn Gazprom của Nga tài trợ và nửa còn lại chia đều cho 5 công ty châu Âu (OMV, Wintershall Dea, Engie, Uniper và Shell). Dự kiến tăng gấp đôi lượng khí đốt tự nhiên được vận chuyển từ bờ biển Nga qua biển Baltic đến Đức.
Ủng hộ phía Nga có Đức, Áo và Na Uy. Chính phủ những nước này nhiều lần tuyên bố rằng “Dòng chảy phương Bắc-2” sẽ củng cố an ninh năng lượng châu Âu. Liên minh châu Âu (EU) cũng lên án không ủng hộ những biện pháp hạn chế của Washington đối với dự án.