F0 điều trị tại nhà làm xét nghiệm thế nào, có cần xét nghiệm PCR không?
BS Trương Hữu Khanh – Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm TP.HCM cho biết F0 theo dõi, điều trị tại nhà không nhất thiết phải làm xét nghiệm nhiều, chỉ thực hiện sau 7 ngày khi phát hiện dương tính.
Khi nào cần xét nghiệm?
Nhiều người khi biết mình là F1 đã vội vàng xét nghiệm ngay. BS Khanh cho rằng khi bạn tiếp xúc với F0 chưa cần xét nghiệm ngay mà nên xét nghiệm ở ngày thứ 3, khi có triệu chứng thì mới xét nghiệm. Còn vừa tiếp xúc với F0 và test ngay đã dương tính thì bản thân bạn đã nhiễm Covid-19 chưa chắc là lây từ F0 đó mà lây từ người khác.
Trong quá trình điều trị, với bệnh nhân Covid-19 việc xét nghiệm lại để biết người bệnh đó có thể xuất viện được hay không (nếu ở trong bệnh viện), còn theo dõi tại nhà để xem F0 đó có thể hoà nhập được chưa. Xét nghiệm không thể nào nói rõ bệnh nặng hay nhẹ mà chỉ là để xem người đó còn có khả năng lây cho người khác hay không.
Thời gian xét nghiệm trong ngày, không cần phải vào buổi sáng mới cho kết quả xét nghiệm chính xác. Chú ý khi xét nghiệm cần lấy mẫu đúng.
Độ đậm của vạch T để ước đoán được tương đối ở giai đoạn nào. Nếu ở giai đoạn đầu thì vạch T rất đậm nhưng sau đó giảm dần. Tuy nhiên, BS Khanh cho rằng vạch T đậm hay mờ cũng chỉ là tương đối vì khi vạch T đậm là nồng độ virus ở trong hầu họng của bạn quá nhiều. Còn khi vạch T mờ hoặc mất dần là do nồng độ virus của bạn thấp.
F0 theo dõi tại nhà không nên test nhiều chỉ cần test lại sau 7 ngày vì nồng độ virus chỉ thay đổi ở ngày thứ 7. Còn người nào tự test hàng ngày mong âm tính thì chỉ tốn test.
BS Trương Hữu Khanh. |
Nếu bạn âm tính xong xét nghiệm lại dương tính thì không cần lo. Thực tế, trong vòng 1, 2 tháng làm xét nghiệm âm tính và dương tính lại hoàn toàn bình thường. Nguyên nhân là do lần đầu bạn test lấy vị trí không có virus nên âm tính, sau đó xét lại dương tính không cần hoang mang.
Nếu bạn xét nghiệm lại dương tính nhưng không còn triệu chứng của bệnh, qua 10 ngày thì bạn có thể đi làm lại nếu cơ quan không cho bạn nghỉ thêm. Khi đi làm lại bạn vẫn cần đeo khẩu trang và thực hiện 5K.
Trong quá trình điều trị bệnh, nhiều người lo lắng không biết có cần làm xét nghiệm PCR hay không? Bác sĩ Khanh cho rằng tuỳ từng yêu cầu của cơ quan nếu họ đòi có giấy xét nghiệm PCR thì mình làm, còn không thì chỉ cần test nhanh là được không cần phải xét nghiệm PCR. PCR chỉ dành cho bệnh nhân nằm trong bệnh viện.
Lưu ý khi tự xét nghiệm để có kết quả đúng tránh những sai sót có thể xảy ra như đưa que lấy dịch chưa tới vị trí lấy mẫu. Cây lấy dịch bị gập nên không thể tới điểm lấy dịch. Khi lấy dịch nên đưa từ từ, mình tự làm nếu thấy nóng rát ở điểm lấy mẫu thì sẽ đưa que ra. Khi lấy test nước bọt thì cố gắng lấy ở phần gầm lưỡi vì đây là nơi có rất nhiều virus. Nếu lấy mẫu cho trẻ nhỏ nên giữ đầu của trẻ thật chặt để tránh sai sót lúc lấy mẫu.
Dấu hiệu nhận biết F0 gần khỏi bệnh
BS Khanh cho rằng khi bạn test nhanh Covid-19 lên hai vạch sẽ có nhiều trường hợp xảy ra. Có người thì không có triệu chứng gì như người bình thường, có người thì ho, sốt, đau mỏi người giống cảm cúm, có những người sốt cao trên 38,5 độ C, gai rét, ớn lạnh, sốt cao tức ngực…
Tuy nhiên, các triệu chứng này đa phần là giảm đi sau 3 đến 5 ngày. Và từ 5 ngày trở đi người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng mất vị giác, khứu giác. BS Khanh cho biết F0 không cần lo vì mất vị giác, khứu giác là giai đoạn cuối của bệnh Covid-19, các triệu chứng sẽ mất hẳn.
Sau đến giai đoạn “viêm” giai đoạn này thường từ ngày thứ 7 đến 10 ngày. Lúc này, bạn theo dõi nồng độ oxy máu, nhịp thở của mình hàng ngày. Trường hợp người có bệnh nền, tiêm chưa đủ mũi vắc xin, người trên 60 tuổi ngày đo Spo2 hai lần để kiểm tra nồng độ oxy máu. Nếu Spo2 dưới 95% bạn nên liên hệ cơ sở y tế để hỗ trợ.
Khánh Chi