"Đũa thần" nào giúp Hòa Phát lãi khủng?
Cụ thể, doanh thu bán hàng 6 tháng đầu năm 2016 của tập đoàn đạt 15.400 tỷ đồng, đạt 55% kế hoạch, lợi nhuận sau thuế đạt 3.050 tỷ đồng, bằng 95% kế hoạch năm. Năm 2016, Hòa Phát đặt mục tiêu 28.000 tỷ đồng doanh thu và 3.200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Riêng trong quý 2, Hòa Phát ước đạt 8.144 tỷ đồng doanh thu và 2.030 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 62% so với cùng kỳ.
Mảng sản xuất kinh doanh thép bao gồm 2 sản phẩm chiến lược là thép xây dựng và ống thép có mức tăng trưởng khá so với năm trước. Cụ thể, đối với thép xây dựng, sản lượng bán hàng đạt 785.000 tấn, tăng 16% so với cùng kỳ, trong đó Hòa Phát xuất khẩu gần 11.000 tấn sang các nước ASEAN. Tại thị trường trong nước, thị phần bán hàng thép xây dựng của Hòa Phát trong tháng 6 đạt gần 22%, cao nhất trong các thành viên của Hiệp hội Thép Việt Nam. Đối với sản phẩm ống thép, Công ty Ống thép Hòa Phát đạt sản lượng bán hàng 211.200 tấn, tương đương 25% sản lượng thép tiêu thụ của cả nước.
![]() |
Nguồn: Báo cáo quản trị năm 2015 của Hòa Phát. |
Các ngành sản xuất kinh doanh truyền thống khác như nội thất, thiết bị xây dựng, điện lạnh vẫn giữ mức phát triển ổn định chiếm 9% doanh thu và 8% lợi nhuận sau thuế của tập đoàn.
Trực tiếp hưởng lợi từ sự hồi phục của giá hàng hóa thế giới và thuế phòng vệ của Bộ công thương, Hòa Phát sẽ càng sớm hoàn thành và vượt kế hoạch năm 2016. Trước đây biện pháp tự vệ tạm thời được áp dụng tối đa trong vòng 200 ngày còn thuế tự vệ chính thức sẽ được áp trong 4 năm, nhưng với Quyết định số 2968/QĐ-BCT ngày 18/7/2016 của Bộ Công thương về việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với phôi thép và thép dài. Mục đích là nhằm bảo vệ doanh nghiệp thép trong nước trước thép nhập khẩu giá rẻ, đặc biệt là nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo đó, Quyết định trên sẽ có hiệu lực từ 2/8/2016. Mức thuế tự vệ chính thức đối với phôi thép được giữ nguyên ở mức 23,3%, trong khi mức thuế đối với thép dài tăng nhẹ từ 14,2% lên 15,4%. Tuy nhiên thuế tự vệ bổ sung sẽ giảm dần từng năm trong 4 năm và sẽ về 0% vào năm thứ 5 tính từ ngày có hiệu lực của biện pháp áp thuế tự vệ tạm thời vào tháng 3/2016. Đây là mức thuế bổ sung bên cạnh mức thuế nhập khẩu thông thường là 10% đối với phôi thép và 15-20% đối với thép dài.
Quyết định được đưa ra theo yêu cầu của các doanh nghiệp trong nước về việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép và thép dài. 4 doanh nghiệp sản xuất, bao gồm: Thép Việt Trung, Tổng Công ty Thép Việt Nam, Công ty Thép Việt Ý và Công ty Thép Hòa Phát đã yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép và thép dài trước việc sản phẩm nhập khẩu giá rẻ và chất lượng kém tràn ngập thị trường trong nước, chủ yếu từ Trung Quốc. Và yêu cầu của 4 doanh nghiệp này nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp khác. Với vai trò là các doanh nghiệp sản xuất phôi thép và thép dài trong nước, đương nhiên 4 doanh nghiệp thép kể trên sẽ được hưởng lợi từ quyết định của Bộ Công thương.
![]() |
Nguồn: Báo cáo quản trị năm 2015 của Hòa Phát |
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Hòa Phát đã chính thức đưa vào hoạt động nhà máy thức ăn chăn nuôi đầu tiên tại Hưng Yên, công suất 300.000 tấn/năm mang thương hiệu Big Boss và HP Feeds. Với công suất tương đương, nhà máy thức ăn chăn nuôi thứ hai tại Đồng Nai dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.
Về chăn nuôi, ông Trần Đình Long cho biết Hòa Phát đã nhập hai đợt heo giống thuần chủng từ Đan Mạch với tổng số 1.400 con từ Công ty DanBred International của Đan Mạch, trước mắt là hai trại tại Yên Bái và Bình Phước.
Trước đó, Hòa Phát cũng đã công bố thêm thông tin chi tiết về đàn bò của công ty với việc sẽ nhập 3.000 con bò thịt đầu tiên từ Úc về Việt Nam vào tháng 8 năm nay, dự kiến số lượng đàn bò sẽ tăng lên 50.000 con vào tháng 6/2017. Tổng vốn đầu tư để cho dự án này ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng. Để thực hiện dự án này, Hòa Phát sẽ nuôi bò trên 6 trang trại trên khắp Việt Nam. Trong đó có 4 trang trại ở miền Bắc, 1 trang trại ở miền Trung và 1 ở miền Nam. Tất cả những trang trại này được xây dựng theo tiêu chuẩn ESCAS của Úc.
Diện tích bình quân mỗi trang trại ước tính là khoảng 10 ha. Hòa Phát đã thành lập 6 công ty con cho các trang trại này, trong đó HPG nắm 100% cổ phần ở 5 công ty và 72% ở 1 công ty còn lại (28% cổ phần thuộc một doanh nghiệp nhà nước). Hiện Hòa Phát chưa công bố danh tính doanh nghiệp nhà nước, nhưng có nguồn tin cho rằng doanh nghiệp nhà nước này sẽ góp đất để thành lập trang trại và trồng cỏ. Tuy nhiên sau đó, Hòa Phát sẽ dùng 100% diện tích đất kể trên để xây trang trại và sẽ giao khoán trồng cỏ theo hợp đồng 5-6 năm cho nông dân ở khu vực lân cận chuồng trại.
![]() |
Nguồn: Báo cáo quản trị 2015 của Hòa Phát. |
Hòa Phát sẽ nuôi bò và vỗ béo trong 4-6 tháng trước khi bán cho cơ sở chế biến. Như vậy nếu số bò thịt đầu tiên nhập về vào tháng 8, thì Hòa Phát sẽ xuất chuồng số bò này vào khoảng cuối năm nay. Trọng lượng bình quân của bò thịt nhập khẩu là 300kg/con. Theo ước tính, mảng nuôi bò có thể đóng góp khoản 250-350 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cho tập đoàn. Giả định trọng lượng bình quân của bò khi xuất chuồng là 500 kg/con, và giá bán bình quân là khoảng 70.000đ/kg thì với 3.000 con, Hòa Phát kỳ vọng sẽ đem lại doanh thu khoảng 105 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 7-10 tỷ đồng. Công ty có thể nuôi 2 lứa bò mỗi năm nên từ giai đoạn 2017-2018, với 100.000 con bò, mảng chăn nuôi bò có thể đóng góp 250- 350 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cho Hòa Phát.
Tuy nhiên, trao đổi với PV Infonet, một chuyên gia về nông nghiệp cho biết, những “đại gia” quay sang làm nông nghiệp bằng cách mở trang trại chăn nuôi bò thịt đều không có lãi. Do vậy, họ chỉ buôn bò thịt từ Úc, sau đó bán bò thịt ra thị trường hoặc xuất khẩu sang Trung Quốc. Và việc mở trang trại chỉ là để tận dụng những ưu đãi về chính sách của nhà nước cho nông nghiệp, cũng như tận dụng nguồn tài nguyên đất đai.