Động đất ở Kon Tum, Quảng Nam và Đà Nẵng cũng thấy rung lắc, người dân hốt hoảng chạy khỏi nhà
Chiều 23/8, Viện Vật lý địa cầu vừa phát đi thông báo về một trận động đất cường độ mạnh xảy ra ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Trận động đất khiến các tòa nhà ở TP Hội An, Tam Kỳ (Quảng Nam) và Đà Nẵng rung lắc nhẹ.
Theo Viện Vật lý địa cầu, khoảng 14h 8p 4s cùng ngày, một trận động đất có độ lớn 4.7 xảy ra tại vị trí có 14.768 độ vĩ Bắc, 108.209 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.2km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.
Chỉ 3 phút sau, cũng tại huyện Kon Plông tiếp tục xảy ra một trận động đất khác có độ lớn 3.6, có tọa độ 14.796 độ vĩ Bắc, 108.252 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km.
Bản đồ chấn tâm động đất xảy ra ở huyện Kon Plông. |
Một lãnh đạo UBND huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) cho biết, nhiều xã trên địa bàn cũng vừa báo cáo có xảy ra trận động đất rất lớn.
"Nhiều xã đã báo cáo có xảy ra trận động đất rất lớn, có thể mạnh nhất từ trước tới nay mà người dân cảm nhận được. Tại xã Trà Cang, bà con đang tiêm vắc-xin bỏ chạy, cán bộ, người dân nghe tiếng động mạnh, rung lắc dữ dội bỏ chạy ra khỏi nhà", vị này nói và cho hay, hiện chưa ghi nhận có thiệt hại về người.
Thời điểm xảy ra động đất, vị này đang công tác ở huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) cũng cảm nhận rất rõ, nhiều người đang ở trong hội trường đã giật mình.
Ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cũng xác nhận tại địa phương vừa có một vụ rung lắc mạnh khiến người dân cảm nhận rõ.
"Sau khi nhận thông tin, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo cho các địa phương tổ chức trấn an người dân cũng như kiểm tra tình hình, đánh giá việc rung lắc mạnh gây thiệt hại gì để có báo cáo gấp. Tôi cũng vừa đi kiểm tra tại thủy điện Sông Tranh 2 về để chắc chắn không có sự cố gì xảy ra", ông Vũ nói.
Theo thống kê, trong khoảng thời gian từ năm 1903 đến năm 2020, trên khu vực huyện Kon Plông và lân cận đã ghi nhận được 33 trận động đất có độ lớn từ 2,5 trở lên, trong đó chỉ có hai trận động đất xảy vào năm 1937 có độ lớn 3.9 và năm 2015 có độ lớn 3.0. Trong thời gian từ tháng 4/2021 đến nay, các số liệu thống kê cho thấy hiện tượng động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận có tần suất xảy ra thường xuyên và xu hướng mạnh dần. Thống kê từ năm 2021 đến thời điểm tháng 4/2022, Kon Tum ghi nhận 169 trận động đất có độ lớn từ 2.5 độ richter xảy ra tại huyện Kon Plông. Trong đó có một trận động đất lớn nhất là 4.5 độ richter. |
Chiều nay, nhiều người dùng Facebook ở các địa phương tại Quảng Nam như: TP Tam Kỳ, TP Hội An, thị xã Điện Bàn,… thậm chí cả TP Đà Nẵng cũng chia sẻ trên mạng xã hội về việc cảm nhận rất rõ rung lắc do vụ động đất nói trên.
Chia sẻ trên trang facebook cá nhân, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy (tài khoản Huy Nguyen), chuyên gia nghiên cứu về thiên tai và biến đổi khí hậu cho biết, từ đầu năm đến nay, khu vực KonTum có tới 6 trận động đất ở mức nhẹ và trung bình nhẹ từ 4.3 đến 5.9 độ richter. Rất may động đất ở xa biển nên không gây sóng thần và cũng chưa tới mức ảnh hưởng nặng đến hạ tầng nhà cửa. Tuy nhiên, chuyên gia khuyến cáo, với việc xảy ra động đất với tần suất khá dày ở khu vực này, cần có một số lưu ý về phòng tránh rủi ro như sau:
Cần rà soát các địa điểm có nguy cơ sạt lở và đặt các biển cảnh báo. Động đất nhẹ có thể tạo các vết nứt bề mặt khá nhỏ ở các sườn dốc, chỉ đợi mưa xuống là sạt lở.
Các nhà cao tầng ở xung quanh bán kính vùng động đất 200km cần có diễn tập chống động đất với kịch bản động đất mạnh 6 độ richter.
Khoảng 5 năm 1 lần cần có diễn tập sơ tán khi có sóng thần ở vùng ven biển từ Quảng Ngãi đến Đà Nẵng nhằm đảm bảo hệ thống cảnh báo sóng thần được kích hoạt và luôn trong trạng thái sẵn sàng hoạt động.
Hiện Tiến sĩ Huy đang giảng dạy chương trình thạc sĩ Biến đổi khí hậu tại Đại học Việt-Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Hồ Ca
Một ngày 2 trận động đất ở một huyện thuộc tỉnh Kon Tum
Trong ngày 26/9, ở địa bàn huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) đã xảy ra 2 trận động đất có độ lớn 3,0 và 3,6 ritches. Đáng chú ý, trong thời gian gần đây, tại địa phương này liên tiếp ghi nhận các ca động đất, nguy cơ sạt lở núi.