“Độc chiếm” dầu ở Biển Đông - một "chiêu" trong kịch bản có sẵn của TQ
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT). Ảnh internet |
Thưa ông, Trung Quốc vừa "nghênh ngang" tuyên bố: “Dầu ở Biển Đông là tài sản quốc gia của Trung Quốc”. Ông có bình luận gì về tuyên bố này?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Không có vấn đề gì mới sau khi Trung Quốc đã ra tuyên bố yêu sách phi lý về đường lưỡi bò đứt khúc chín đoạn chiếm 80% diện tích Biển Đông. Với tuyên bố này Trung Quốc thể hiện một cách ngạo mạn ý đồ độc chiếm Biển Đông dựa trên cách tiếp cận không gian giống như Tôn Ngộ Không của Trung Quốc đã làm khi khoanh "vòng tròn sở hữu không gian" bằng chiếc "gậy sắt bịt vàng". Với cách tiếp cận này họ muốn "hợp thức hóa" vô lý quyền sở hữu mọi thứ trong không gian như vậy.
Sau khi tuyên bố yêu sách phi lý nói trên, Trung Quốc tiếp tục muốn chứng tỏ với thế giới và các nước trong khu vực khả năng hành động thực tế để kiểm soát toàn bộ không gian đường lưỡi bò. Để làm điều đó, vừa qua Trung Quốc đã không từ bỏ một thủ đoạn nào, từ mở rộng không gian an ninh quốc gia, đe dọa quân sự đến mở rộng không gian hoạt động kinh tế và khoa học- công nghệ... cũng như núp dưới nhiều chiêu bài khác nhau.
Tàu Bình Minh 02, con tàu đã từng bị TQ quấy rối khi đang làm nhiệm vụ thăm dò đầu khí trên phạm vi mà Việt Nam có quyền chủ quyền và quyền tài phán. Ảnh internet |
Việc tuyên bố gần đây về nguồn tài nguyên dầu khí ở Biển Đông là tài sản quốc gia của Trung Quốc cũng chỉ là một trong những chiêu trong kịch bản có sẵn của họ, thể hiện tham vọng và sự tham lam của Trung Quốc, không phù hợp với danh dự và uy tín của một nước lớn, không phù hợp với công pháp và thực tiễn quốc tế. Đặc biệt, Trung Quốc đã có thêm hành động đẩy tình hình khu vực Biển Đông đã vốn phức tạp lại phức tạp hơn, gây khó khăn cho các nước trong khu vực trong đó có Việt Nam phát triển kinh tế biển.
Theo ông, trước những tuyên bố của Trung Quốc, Việt Nam cần định hướng phát triển khoa học và kinh tế biển như thế nào?
Không chờ đến tuyên bố của Trung Quốc, Việt Nam đã và sẽ tiếp tục chủ động xây dựng và thực thi kế hoạch phát triển kinh tế biển của mình, trong đó có ngành dầu khí trong phạm vi các vùng biển của Việt Nam trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế về biển, trong đó có Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển 1982. Việt Nam thực hiện nghiêm chỉnh và tôn trọng các điều khoản liên quan tới khai thác, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường biển theo quy định pháp luật quốc tế và quốc gia, và có quyền yêu cầu các nước thành viên khác tuân thủ. Ngoài ra, Việt Nam nên tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế trong khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo trong phạm vi các vùng biển của mình.
Việt Nam cũng cần nhanh chóng hiện đại hóa các ngành kinh tế biển để sớm hình thành một "nền công nghiệp biển và đại dương" theo đúng nghĩa của nó. Đồng thời chú trọng tổ chức lại đội hình ra biển làm ăn kinh tế vừa hiệu quả, vừa tạo thế trận bảo vệ an ninh chủ quyền; tăng cường phối hợp quân - dân, hình thành các cộng đồng kinh tế lao động trên biển có khả năng tự quản và chủ động chống đỡ với thiên tai và nhân tai. Tiến hành phân vùng, quy hoạch không gian biển và vùng ven biển, trên cơ sở đó xác định yêu cầu kỹ thuật và pháp lý đối với từng khu vực biển để khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững.
Ông đã từng là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, ông có đánh giá thế nào về tiềm năng kinh tế (tài nguyên, thủy sản, hàng hải và du lịch) biển Việt Nam?
Nhìn từ góc độ tài nguyên, biển nước ta nằm trong khu vực giàu và đa dạng loại hình tài nguyên thiên nhiên, đáng kể là dầu khí, triển vọng băng cháy, sa khoáng, vật liệu xây dựng, nguồn lợi thủy sản, kết hạch đa kim, photphorit, tiềm năng phát triển du lịch biển đảo, phát triển cảng - hàng hải. Đặc biệt biển nước ta giàu tiềm năng bảo tồn và là cơ sở để phát triển các ngành kinh tế biển xanh (blue economy). Tuy trữ lượng của từng dạng tài nguyên khác nhau, nhưng chủ yếu ở mức khá, riêng nguồn lợi thủy sản tập trung thành các quần đàn nhỏ và trung bình, phân tán, đa loài nên phải chú ý đến công tác bảo vệ nguồn lợi trong phát triển nghề cá đa loài. Trong chiến lược phát triển nghề cá giải trí (phục vụ du lịch, giải trí) ở ven bờ và ở vùng biển quanh các đảo... là một hướng mới cần lưu tâm.
Những giàn khoan của Việt Nam đang tiếp cận tiềm năng dồi dào của biển cả. Ảnh internet |
Theo ông khoa học- kinh tế Biển Việt Nam hiện nay đã phát triển tương xứng với tiềm năng của chúng ta chưa?
Đến nay phát triển khoa học và kinh tế biển ở nước ta chưa tương xứng và phù hợp với tiềm năng và đặc thù tài nguyên của các vùng biển nói trên. Chưa có phương án phát triển tổng hợp và toàn diện trong hoạt động kinh tế biển, vai trò của khoa học-công nghệ biển trong phát triển kinh tế biển còn hạn chế, hàm lượng khoa học-công nghệ trong các sản phẩm của các ngành kinh tế biển chưa nhiều, chưa thực sự vươn xa và xuống sâu. Công nghệ điều tra, nghiên cứu biển, dự báo biển, phục vụ khai thác biển hiệu quả và bền vững còn không ít bất cập. Công tác phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng với bảo vệ tài nguyên và môi trường, với phát triển xã hội-văn hóa biển, với khoa học-công nghệ biển...còn hạn chế, khó khăn trong khi đây lại là đòi hỏi của tình hình mới. Chúng ta chưa chuyển từ tư duy khai thác sang tư duy phát triển trong hoạch định chính sách, chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế biển, đảo; chưa coi trọng chế biến sâu để tạo giá trị gia tăng trong sản xuất của các ngành kinh tế biển, đầu tư dàn trải, các sản phẩm kinh tế biển có sự cạnh tranh hạn chế,...
Ông đề xuất giải pháp gì cho phát triển khoa học- kinh tế biển Việt Nam?
Tập trung tìm ra "triết lý phát triển kinh tế biển Việt Nam" trong bối cảnh tranh chấp phức tạp và kéo dài ở Biển Đông là nhiệm vụ chiến lược của đất nước để Việt Nam chủ động ứng phó với các tình huống trong phát triển kinh tế, giảm thiểu các giải pháp tình thế, không bị lúng túng khi ứng xử theo vụ việc. Bởi lẽ, ý đồ của các nước khá rõ đối với vấn đề Biển Đông, bên cạnh kiên trì các biện pháp hòa bình giải quyết vấn đề chủ quyền biển đảo trên Biển Đông, Việt Nam cần cụ thể hóa Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 và xa hơn bằng các chiến lược khoa học-kinh tế cụ thể. Chỉ có như vậy chiến lược biển và Luật biển Việt Nam mới sớm đi vào cuộc sống, thông qua phát triển kinh tế biển nước ta mới làm chủ thực tế các vùng biển, hải đảo của Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!