Doanh nghiệp niêm yết trong xu hướng phục hồi sản xuất kinh doanh
Theo thống kê, so với cùng kỳ năm ngoái, tổng doanh thu của khối các doanh nghiệp trên cả 2 sàn tăng 13,4% trong khi lợi nhuận tăng chậm hơn ở mức 3,6%, khiến biên lợi nhuận của khối các doanh nghiệp giảm nhẹ từ 7,95% xuống 7,28%. Trong đó, tăng trưởng về doanh thu đến từ kết quả kinh doanh có phần đột biến ở các doanh nghiệp lớn như Vingroup (VIC), Masan (MSN), Thế giới Di động (MWG) và BIDV (BID)... trong khi tăng trưởng về lợi nhuận đến từ kết quả kinh doanh tích cực của các doanh nghiệp như Vietcombank (VCB), Vietinbank (CTG), Vinamilk (VNM) và Hòa Phát (HPG)... Bên cạnh kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp lớn, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của số đông các doanh nghiệp trên 2 sàn cũng phát đi tín hiệu tích cực trong quý 2 với số doanh nghiệp đạt tăng trưởng dương về doanh thu chiếm 56% trong khi tăng trưởng dương về lợi nhuận chiếm 55% tổng số doanh nghiệp trên 2 sàn.
Theo đánh giá của CTCK Bảo Việt (BVSC), sau khi có sự sụt giảm nhẹ trong kết quả kinh doanh quý 4 năm ngoái, kết quả kinh doanh quý 1 năm nay quay trở lại xu hướng tăng trưởng phần nào giảm đi lo ngại và cho thấy việc sụt giảm kết quả kinh doanh quý trước chưa phải là biểu hiện xấu đi đối với môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp mà có thể chỉ là sự chững lại tạm thời do các yếu tố khách quan như biến động giá dầu, tỷ giá...
Xét về diễn biến tăng trưởng ở từng nhóm ngành so với cùng kỳ, có 7 ngành tăng trưởng dương về lợi nhuận gồm có: tài chính, công nghiệp, hàng tiêu dùng, vật liệu cơ bản, bất động sản, công nghệ và dịch vụ tiêu dùng trong khi có 3 ngành có mức giảm về lợi nhuận là dầu khí, y tế và dịch vụ công cộng. Trong đó ngành vật liệu cơ bản có mức tăng trưởng đột biến nhất với số các doanh nghiệp tăng trưởng dương chiếm số đông (31/59 doanh nghiệp), đặc biệt tăng trưởng có phần đột biến diễn ra ở các doanh nghiệp thép như Hoa Sen Group (HSG), Thép Tiến Lên (TLH), Thép Pomina (POM)... nhờ diễn biến thuận lợi của giá và sản lượng tiêu thụ, trong khi các doanh nghiệp cao su tự nhiên có kết quả kinh doanh không thực sự khả quan với một số doanh nghiệp tăng trưởng âm về lợi nhuận như Cao su Tây Ninh (TRC), Cao su Thống Nhất (TNC), Cao su Phước Hòa (PHR) và Cao su Đồng Phú (DPR)... Bên cạnh đó, ngành bất động sản cũng đã có mức tăng trưởng ấn tượng trong quý 2 với mức tăng 23%, tuy nhiên tăng trưởng của ngành chủ yếu nhờ doanh nghiệp đầu ngành khi VIC đạt kết quả kinh doanh tích cực với lợi nhuận tăng trưởng 42,5% do năm 2016 là điểm rơi các dự án trọng điểm của doanh nghiệp này.
Ở chiều ngược lại, ngành dịch vụ công cộng có mức giảm sâu nhất về lợi nhuận (-99%) với phần đông các doanh nghiệp trong ngành sụt giảm lợi nhuận so với cùng kỳ (15/19 doanh nghiệp). Cá biệt trong số đó có trường hợp của Nhiệt điện Phả Lại (PPC) lỗ quý 1 hơn 157 tỷ đồng trong khi lãi cùng kỳ đạt hơn 51 tỷ đồng với nguyên nhân chính xuất phát từ khoản lỗ tỷ giá do Yên Nhật tăng mạnh trong bối cảnh doanh nghiệp này có khoản nợ lên tới 22,2 tỷ JPY. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng có sự sụt giảm lợi nhuận do chịu ảnh hưởng trực tiếp của hiện tượng Elnino làm giảm sản lượng như trường hợp Thủy điện Miền Trung (CHP) và Thủy điện Miền Nam (SHP)...
Hai ngành còn lại có sự sụt giảm về lợi nhuận là dầu khí (- 40%) và y tế (-24%). Trong khi lợi nhuận các doanh nghiệp dầu khí giảm mạnh do tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực từ diễn biến giảm của giá dầu thế giới, mặc dù đã bắt đầu cho tín hiệu hồi phục nhưng vùng giá biến động bình quân vẫn thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ, ngành y tế lại sụt giảm chủ yếu do CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC) lỗ quý 1 hơn 100 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 41 tỷ đồng do những vấn đề nội tại doanh nghiệp.