Doanh nghiệp được “cứu” nhưng chưa “thoát”
Bên hành lang Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm chia sẻ với báo chí về các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội, nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp gặp khó khăn còn hơn mức đánh giá của Chính phủ. Theo ông cái gì cần nhất đối với doanh nghiệp lúc này?
Vấn đề trước tiên, Chính phủ phải có sự đánh giá đúng thực tiễn tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp lúc này. Thứ nữa phải có tiêu chí, có cơ sở chính thống để đảm bảo công bố số liệu đó cho người ta tin, chứ mỗi người nói một kiểu sẽ gây hoang mang trong dư luận và cho chính doanh nghiệp.
Ông Cao Sỹ Kiêm: "phải nói rõ số nợ xấu là bao nhiêu, nằm ở đâu, ai chịu trách nhiệm?" |
Như vậy đơn vị soạn thảo phải có một số liệu chính thống. Con số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động chính xác là bao nhiêu? Nợ xấu đang là bao nhiêu, số nợ xấu nằm ở đâu? Việc quản lý giá cả rối loạn ở chỗ nào?… Tất cả cần phải hết sức cụ thể. Cuối cùng cái doanh nghiệp rất cần lúc này là sự điều hành linh hoạt, minh bạch, công bằng để họ biết hướng làm, biết cách kiểm soát, điều chỉnh.
Trong thời gian qua, Chính phủ đã đề ra một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tại sao các giải pháp đó vẫn chưa bám sát thực tiễn, doanh nghiệp vẫn chưa thoát được tình cảnh khó khăn?
Doanh nghiệp được “cứu” nhưng vẫn chưa “thoát” được cũng vì rất nhiều nguyên nhân. Đầu tiên phải kể đến chi phí sản xuất và thị trường tiêu thụ. Muốn doanh nghiệp “thoát” được tình cảnh khó khăn phải tìm đầu ra cho sản phẩm, tạo sức mua mới. Ngoài ra muốn "cứu" được doanh nghiệp phải giải quyết vấn đề nợ xấu hiện nay. Nếu còn nợ xấu thì ngân hàng không cho vay, mà doanh nghiệp cũng không dám vay.
Nhưng để giải quyết được nợ xấu thì phải nói rõ con số nợ xấu là bao nhiêu, nằm ở lĩnh vực nào, nguyên nhân do đâu và ai chịu trách nhiệm với nợ xấu? Nếu nợ xấu bắt nguồn từ bất động sản thì phải tập trung giải quyết thị trường này. Hay nợ xấu bắt nguồn từ nợ đọng trong xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước? Hay nợ xấu vì “sân sau” của các ngân hàng?… Tất cả đều phải đưa ra địa chỉ rõ ràng, đánh giá mức độ cụ thể để đưa ra giải pháp điều trị. Giải quyết khó khăn của ngân hàng cũng là cách để “cứu” doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp phản ánh rằng, vấn đề khó khăn lớn nhất của họ lúc này là đầu ra cho sản phẩm. Theo ông nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng doanh nghiệp bí đầu ra, khiến hàng tồn kho tăng cao trong thời gian qua?
Có lẽ vì doanh nghiệp chọn mặt hàng chưa chuẩn. Nhưng quan trọng nhất là cách quản lý điều hành. Đặc biệt là việc sử dụng vốn của doanh nghiệp còn nhiều khiếm khuyết. Đây cũng là nguyên nhân khiến nợ xấu gia tăng trong thời gian qua. Vì thế để cứu mình thì trước tiên doanh nghiệp phải giải quyết được khuyết điểm của mình trước khi trông chờ vào người khác.
Khó khăn trong sản xuất kinh doanh khiến nhiều doanh nghiệp nợ đọng thuế. Trong thời gian tới, chính sách thuế sẽ phải áp dụng như thế nào để vừa tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, nhưng vẫn đảm bảo nguồn thu tối đa cho ngân sách nhà nước, thưa ông?
Khi nợ thuế thì bản thân doanh nghiệp đã khó khăn rồi. Mặt khác doanh nghiệp nợ thuế thì không được vay vốn ngân hàng. Chúng ta đều biết doanh nghiệp bán hàng mới có thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp cũng vậy. Nhà nước chỉ miễn giảm thuế trong điều kiện thực sự khó khăn như năm nay.
Sang năm tới khả năng miễn giảm thuế sẽ như thế nào, còn phải nghe ngóng tình hình thực tế, tôi cho rằng chưa thể đưa ra kể hoạch miễn giảm thuế bao nhiêu cho doanh nghiệp lúc này.
Nguyễn Dũng (ghi)