Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ 4.0 để thích ứng với tình hình mới
Các doanh nghiệp cần xem xét chuyển đổi mô hình kinh doanh mới bởi các quy trình, hệ thống, nguyên tắc trước đây có thể chỉ phù hợp trong bối cảnh cũ.
Tại hội nghị trực tuyến “Sáng tạo kinh doanh trong môi trường biến đổi” do VCCI tổ chức ngày, ông Trịnh Minh Anh, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho rằng, dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường và tác động không chỉ trong thời gian ngắn, do vậy để thích ứng với tình hình này, các doanh nghiệp cần xem xét chuyển đổi mô hình kinh doanh mới bởi các quy trình, hệ thống, nguyên tắc trước đây có thể chỉ phù hợp trong bối cảnh cũ.
Doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh doanh để thích ứng với tình hình mới (ảnh minh họa). |
Cùng với đó, đại dịch Covid-19 đã và đang khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động, thậm chí là phải tạm dừng hoạt động. Do vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động, phục hồi sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp buộc phải đầu tư cho khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là áp dụng công nghệ 4.0 trong cả phương thức sản xuất lẫn phương thức giao dịch với khách hàng; duy trì kết nối với khách hàng song phải đảm bảo an toàn cho mình và cho khách hàng trong đại dịch. Đặc biệt doanh nghiệp cần nghiên cứu, tận dụng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đồng thời tăng cường sự chủ động, linh hoạt ứng phó trước những diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế.
Theo ông Trịnh Minh Anh, chúng ta vẫn có thể hướng đến một triển vọng tươi sáng hơn khi các nước đạt được miễn dịch cộng đồng nhờ tiêm vắc xin, cùng với kết quả tích cực đạt được từ những gói hỗ trợ và kích cầu nền kinh tế mà các quốc gia đang áp dụng. Khi đó, cùng với sự phục hồi kinh tế thì quan hệ kinh tế quốc tế giữa các quốc gia cũng sẽ bước sang giai đoạn “bình thường mới”.
Đối với Việt Nam, đại dịch Covid-19 đang đặt ra những thách thức to lớn đối với nền kinh tế , gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; tác động trực tiếp đến các ngành xuất, nhập khẩu, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, y tế, giáo dục, lao động, việc làm; nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô...; ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức trên, đây cũng là cơ hội để chúng ta tìm những hướng đi mới trong phát triển nền kinh tế. Tại Hội nghị thượng đỉnh thương mại dịch vụ toàn cầu ngày 2/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và chia sẻ quan điểm: tận dụng cơ hội phòng, chống đại dịch Covid-19 để chuyển đổi số với trọng tâm là công nghệ số, kinh tế số để đẩy nhanh hoàn thành Mục tiêu phát triển bền vững 2030 của Liên Hợp quốc.
Trong bối cảnh các nước đang chịu tác động cộng hưởng của đại dịch Covid-19, việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế và áp dụng hiệu quả công nghệ số là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần tạo động lực mới cho tăng trưởng và phục hồi kinh tế; từ đó bảo đảm phát triển bền vững, bao trùm và toàn diện. Cần có sự hợp tác để tăng cường thương mại điện tử qua biên giới trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, qua đó giúp thúc đẩy xuất khẩu giữa Việt Nam và các nước.
Ngoài ra, thách thức từ đại dịch Covid đối với nền kinh tế cũng như lửa thử vàng, gian nan thử sức. Đây là cơ hội chúng ta thanh lọc nền kinh tế, chọn ra những nhân tố đủ sức chống chịu với những biến động, khủng hoảng toàn cầu.
Từ thực tiễn trên, ông Trịnh Minh Anh đưa ra những khuyến nghị đối với doanh nghiệp để thích ứng với tình hình hiện nay. Theo đó, các doanh nghiệp cần xem xét chuyển đổi mô hình kinh doanh mới bởi các quy trình, hệ thống, nguyên tắc trước đây có thể chỉ phù hợp trong bối cảnh cũ.
Đại dịch Covid-19 đã và đang khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động, thậm chí là phải tạm dừng hoạt động. Do vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động, phục hồi sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp buộc phải đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là áp dụng công nghệ 4.0 trong cả phương thức sản xuất lẫn phương thức giao dịch với khách hàng.
Đồng thời, doanh nghiệp cần duy trì kết nối với khách hàng song phải đảm bảo an toàn cho mình và cho khách hàng trong đại dịch; nghiên cứu, tận dụng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, nhất là tăng cường sự chủ động, linh hoạt ứng phó trước những diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế.
Và cuối cùng là xây dựng chiến lược kinh doanh hậu Covid để kịp thời nắm bắt những cơ hội khi nền kinh tế phục hồi, trong đó có việc tận dụng tốt các cam kết trong các FTA mà Việt Nam đã ký với các nước đối tác để khôi phục, mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư.
Hiền Anh
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.