Doanh nghiệp bảo hiểm trong cuộc 'chạy đua' số hoá
Là doanh nghiệp dẫn đầu thị phần bảo hiểm tại Việt Nam, áp lực dẫn đầu thị trường buộc Bảo hiểm Bảo Việt phải thực hiện chuyển đổi số bằng mọi cách. Ứng dụng bảo hiểm tích hợp nhiều tiện ích Baoviet Direct đã được Bảo hiểm Bảo Việt cho ra mắt từ năm 2019. Đây cũng là ứng dụng tích hợp quản lý bảo hiểm trên điện thoại đầu tiên tại thị trường Việt Nam dành cho khách hàng cá nhân.
Đồng thời, Bảo hiểm Bảo Việt cũng áp dụng hàng loạt giải pháp ứng dụng công nghệ số trên toàn diện hệ thống, từ quản trị đến bán hàng, cấp đơn triển khai giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử... và hàng loạt các sản phẩm bảo hiểm số như bảo hiểm du lịch, bảo hiểm thiết bị điện tử, bảo hiểm trễ chuyến bay, bảo hiểm hàng hóa, bảo hiểm dữ liệu và an ninh mạng, bảo hiểm bảo lãnh…
Không riêng gì Bảo Việt mà rất nhiều doanh nghiệp bảo hiểm hiện nay cũng đang trong cuộc "chạy đua" số hoá. Khảo sát tới tháng 6/2022 của Vietnam Report mới đây đã phần nào cho thấy bức tranh tình hình triển khai Insurtech (công nghệ bảo hiểm) trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam.
So với giai đoạn tháng 6/2020, các dữ liệu của Vietnam Report thu thập được cho thấy tầm quan trọng của chuyển đổi số, số hoá các quy trình thủ tục trong tất cả các lĩnh vực, ngành nghề trong đó có bảo hiểm.
90% số doanh nghiệp bảo hiểm tham gia khảo sát của Vietnam Report hiện đang triển khai chương trình chuyển đổi số, trong khi những doanh nghiệp còn lại dự kiến sẽ triển khai trong thời gian tới.
Hiện nay, Việt Nam là nước đứng thứ 10 trên thế giới về tỷ lệ người sở hữu smartphone, tỷ lệ người dân sử dụng internet chiếm hơn 70% dân số, vì vậy không khó hiểu khi hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm đều đã xây dựng riêng cho mình một ứng dụng trên thiết bị thông minh thời gian qua, dù ở mức sơ khai hay tích hợp.
Ngược lại với xu hướng của hai nghiệp vụ trên, nối tiếp đà tăng trưởng từ năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp bảo hiểm đẩy mạnh triển phát triển các sản phẩm theo yêu cầu đạt 60%, là hoạt động được doanh nghiệp bảo hiểm tích cực đẩy mạnh nhất trong giai đoạn vừa qua, tăng trưởng 24,7%.
Năm 2022 là khởi đầu cho một chu kỳ kinh tế mới với những xu thế mới trong phát triển kinh tế, xã hội và ngành bảo hiểm cũng nằm trong vòng quay đó. Kết quả khảo sát doanh nghiệp và phỏng vấn chuyên gia của Vietnam Report cho thấy việc ứng dụng số hoá, nền tảng số, công nghệ số ngày càng phát triển trong quy trình mua bảo hiểm trở thành 1 trong 5 xu hướng nổi bật của ngành năm nay.
Trước đó, một nghiên cứu của Juniper Research (JR) cũng dự báo, tổng giá trị hợp đồng bảo hiểm được tạo ra bởi các nền tảng Insurtech sẽ vượt quá 556 tỷ USD vào năm 2025 từ mức 250 tỷ USD năm 2020, tương ứng tăng 123%. Nếu không tận dụng những lợi ích mà AI mang lại, các công ty bảo hiểm trong các ngành động cơ, đời sống, gia đình và sức khoẻ có nguy cơ trở nên kém hấp dẫn hơn đối với khách hàng tiềm năng.
Do đó, các công ty bảo hiểm lớn cần tập trung vào việc sử dụng các giải pháp insurtech để cải thiện việc tương tác của khách hàng, hoặc để mất thị phần vào tay những "tay chơi" mới có thế mạnh về kỹ thuật số hơn.
Theo ông Trương Gia Bảo – Chủ tịch Liên minh Chuyển đổi số, trong đại dịch Covid-19 chúng ta có từ khoá công nghệ là “mobile first”, có nghĩa là smart phone đã trở thành thứ tiếp cận công nghệ quan trọng của con người, thậm chí nó còn được coi như là một công cụ lao động.
Đến thời điểm này, từ khoá của chúng ta là AI (trí tuệ nhân tạo), từ khoá tiếp theo là “IOT” (internet vạn vật). Một từ khoá nữa là “big data” (dữ liệu lớn), mọi hành vi của chúng ta đang được mô phỏng lên các ứng dụng.
“Chẳng hạn như Grab có thể biết được lộ trình quen thuộc của khách hàng, Now biết được thói quen ăn uống của khách hàng,… những điều này tạo thành kho dữ liệu cá nhân khổng lồ, qua đó sẽ trở thành nguồn thông tin cung cấp cho các doanh nghiệp trong tương lai. Doanh nghiệp sẽ sản xuất dịch vụ theo những dữ liệu đó, nghĩa là nhu cầu được biết trước rồi mới đến sản xuất, điều này hoàn toàn ngược lại so với trước kia”, ông Trương Gia Bảo nói.
Theo số liệu ước tính của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, đến hết tháng 7/2022, tổng số hợp đồng khai thác mới của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là 1.799.524 hợp đồng, giảm 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm tỷ trọng 39,1%, giảm 29,6% so với cùng kỳ năm ngoái; sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm tỷ trọng 22,6%, tăng 91,9% so với cùng kỳ năm ngoái; sản phẩm bảo hiểm tử kỳ chiếm tỷ trọng 25,9%, giảm 24,6% so với cùng kỳ năm ngoái; sản phẩm bảo hiểm sức khỏe chiếm tỷ trọng 11,3% tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng hợp đồng có hiệu lực đến cuối kỳ là 13.400.770 tăng 5,8%. Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt là 98.171 tỉ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm tỷ trọng 51,3%; sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm tỷ trọng 20,3%; sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 16,7%; sản phẩm phụ chiếm tỷ trọng 10%. Các sản phẩm bảo hiểm còn lại chiếm tỷ trọng 1,6%, trong đó, sản phẩm bảo hiểm tử kỳ chiếm 0,6%, sản phẩm bảo hiểm sức khỏe chiếm 0,5%, sản phẩm bảo hiểm hưu trí chiếm 0,2%, sản phẩm bảo hiểm trọn đời chiếm 0,2%, sản phẩm bảo hiểm trả tiền định kỳ chiếm 0,1%, sản phẩm bảo hiểm sinh kỳ chiếm 0,0006%. Bên cạnh đó, phí bảo hiểm khai thác mới 7 tháng năm 2022 tăng 0,5% đạt 29.191 tỉ đồng. Tổng số tiền bảo hiểm các doanh nghiệp đã chi trả 7 tháng năm 2022 cho các sản phẩm bảo hiểm là 29.090 tỉ đồng. |
Tuân Nguyễn