Đình chỉ cô giáo mầm non đánh, cắn học sinh: Chưa đủ răn đe!
Cô H., giáo viên lớp Lá 1 của trường mầm non Rồng Vàng, quận 9, TP.HCM bị tạm đình chỉ công tác do đã có hành vi bạo hành với học sinh trong lớp học.
Chiều 30/10, mạng xã hội xuất hiện một đoạn video từ camera của trường mầm non Rồng Vàng (quận 9, TP.HCM) cho thấy, một cô giáo trong lúc cho học sinh ăn đã đánh, cắn nhẹ vào tay và đá vào chân học sinh. Đoạn video đã gây lên làn sóng phẫn nộ của dư luận về hành vi cư xử của cô giáo.
Hành vi cắn vào tay học sinh của cô H. tại trường Rồng Vàng (ảnh cắt từ clip). |
Bà Phan Thị Kim Duyên, Phó trưởng Phòng GDĐT quận 9 cho hay, đoàn kiểm tra của quận do bà làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với nhà trường và phụ huynh học sinh vào chiều tối 30/10.
Sự việc xảy ra vào giờ ăn xế, chiều 27/10, bé trai lớp lá 1 nghịch và không chịu ăn nên cô giáo dùng tay đánh lên tay bé 4 lần. Không kìm chế được cảm xúc, cô giáo này kéo tay học sinh cắn nhẹ để doạ và đá vào chân của bé.
Vì trường có camera nên phụ huynh có xem được đoạn video, 1 phụ huynh khác đã đăng video này lên mạng xã hội. Nhà trường biết sự việc, mời giáo viên lên tường trình sự việc. Em học sinh bị bạo hành là trẻ hòa nhập, nhưng dù gì, giáo viên có hành vi bạo hành với học sinh là sai, và nhà trường đã xin lỗi chân thành đối với gia đình học sinh. Trước sự việc này, nhà trường đã tạm đình chỉ công tác của cô giáo.
"Tôi có kiểm tra trực tiếp thì thấy cháu bé không có thương tích trên người. Cô giáo cũng gửi lời xin lỗi đến gia đình học sinh. Phụ huynh yêu cầu cô giáo không dạy con mình. Tuy vậy, họ vẫn tiếp tục gửi con theo học tại trường vì con họ đã học ở đây 3 năm", bà Duyên nói.
Qua sự việc, Phòng GDĐT quận 9 đề nghị nhà trường tăng cường kiểm soát, tránh trường hợp bạo hành xảy ra. Trường cần quán triệt với giáo viên về đạo đức nhà giáo, về bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường.
Liên quan đến sự việc này, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Phương Anh (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết: “Dạy trẻ hòa nhập đúng là có khó khăn riêng. Tuy nhiên, đã chọn nghề thì giáo viên phải chấp nhận và không thể lấy đó làm lí do mà bạo hành học sinh.
Tôi nghĩ rằng đình chỉ công tác giáo viên khi họ vi phạm đạo đức nghề giáo, vi phạm bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường là chưa đủ sức răn đe. Bởi lẽ, sự việc nào cũng chỉ đình chỉ giáo viên một vài ngày rồi thôi, sau đó đâu lại vào đó.
Chúng ta phải có những chế tài nghiêm khắc, đủ sức răn đe để giáo viên khác nhìn vào đó như một tấm gương thì mới có thể ngăn chặn những vụ việc đáng tiếc thế này”.
Thời gian qua, TP.HCM là đơn vị cũng rất rốt ráo trong việc triển khai tuyên truyền thực hiện bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường.
Cụ thể, Sở GD&ĐT TP.HCM đã đặt ra yêu cầu trong giai đoạn 2020-2021 có 100% trường học xây dựng, thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục theo quy định của Bộ GD-ĐT ban hành, phù hợp với điều kiện và đặc trưng của mỗi nhà trường.
Hằng năm có ít nhất 95% cán bộ, công chức, giáo viên, nhân viên và người học được tuyên truyền, phổ biến, học tập về văn hóa ứng xử trong trường học, gia đình và cộng đồng; có 95% cán bộ, công chức, giáo viên, nhân viên và người học, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, Đội Thiếu niên được bồi dưỡng nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và có năng lực tốt trong tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học; 95% cơ sở giáo dục thực hiện văn hóa và nếp sống văn minh trong trường học.
1. Ứng xử với người học: Ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh; mẫu mực, bao dung, trách nhiệm, yêu thương; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe và động viên, khích lệ người học; tích cực phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Không xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi; không trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi vi phạm của người học.
2. Ứng xử với cán bộ quản lý: Ngôn ngữ tôn trọng, trung thực, cầu thị, tham mưu tích cực và thể hiện rõ chính kiến; phục tùng sự chỉ đạo, điều hành và phân công của lãnh đạo theo quy định. Không xúc phạm, gây mất đoàn kết; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi sai phạm của cán bộ quản lý.
3. Ứng xử với đồng nghiệp và nhân viên: Ngôn ngữ đúng mực, trung thực, thân thiện, cầu thị, chia sẻ, hỗ trợ; tôn trọng sự khác biệt; bảo vệ uy tín, danh dự và nhân phẩm của đồng nghiệp, nhân viên. Không xúc phạm, vô cảm, gây mất đoàn kết.
4. Ứng xử với cha mẹ người học: Ngôn ngữ đúng mực, trung thực, tôn trọng, thân thiện, hợp tác, chia sẻ. Không xúc phạm, áp đặt, vụ lợi.
5. Ứng xử với khách đến cơ sở giáo dục: Ngôn ngữ đúng mực, tôn trọng. Không xúc phạm, gây khó khăn, phiền hà.
Hoàng Thanh