Điện Biên: Hơn 1,4 tỉ đồng hỗ trợ chấm dứt tình trạng trẻ em bị mua bán
UBND tỉnh Điện Biên đã phê duyệt khoản viện trợ do Tổ chức Blue Dragon Children’s Foundation tài trợ thực hiện dự án “An toàn và lành mạnh: chấm dứt tình trạng trẻ em bị mua bán và bị lạm dụng sức lao động tại tỉnh Điện Biên” giai đoạn 2022 - 2023 tại huyện Điện Biên Đông.
Cụ thể, khoản viện trợ có tổng giá trị 60.336 USD tương đương với hơn 1,4 tỉ đồng. Trong đó 100% giá trị khoản viện trợ là vốn viện trợ không hoàn lại do bên tài trợ quản lý, thực hiện.
Mục tiêu của Dự án là tăng cường hỗ trợ nạn nhân của mua, bán người, trẻ em bị lạm dụng sức lao động và trẻ em bị xâm hại được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc ban đầu, tái hòa nhập cộng đồng; giảm thiểu nguy cơ bị mua, bán người và trở thành lao động trẻ em xảy ra tại trường học và cộng đồng. Thời gian thực hiện từ tháng 11/2022 đến tháng 12/2023.
Dự án được thực hiện với kết quả chủ yếu: Nạn nhân của mua, bán người, trẻ em bị lạm dụng sức lao động và trẻ em bị xâm hại được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, ổn định và bước đầu xây dựng cuộc sống. Trẻ em và thanh niên có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của mua, bán người được hỗ trợ giáo dục, chăm sóc sức khỏe, sinh kế và các dịch vụ hỗ trợ lâu dài khác dựa trên nhu cầu thực tế. Phát triển mô hình “Cảnh báo sớm về mua bán người và lao động trẻ em” tại trường học và cộng đồng nhằm hỗ trợ trường học và cộng đồng tiếp cận được các thông tin và tăng cường thực phòng, chống mua, bán người và giảm thiểu lao động trẻ em. Tăng cường vai trò giám sát, hỗ trợ của các cơ quan Nhà nước và các cơ quan, tổ chức liên quan trong thực hiện các chính sách hỗ trợ cho nạn nhân, các đối tượng có nguy cơ cao và nhân rộng mô hình thành công.
UBND tỉnh Điện Biên giao UBND huyện Điện Biên Đông chủ trì, phối hợp với Tổ chức Blue Dragon Children’s Foundation, Sở Ngoại vụ và các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp nhận, quản lý và sử dụng khoản viện trợ theo nội dung được phê duyệt, đảm bảo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và yêu cầu của Nhà tài trợ; báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Ngoại vụ) theo quy định. Giao Sở Ngoại vụ, Sở Tài chính hướng dẫn UBND huyện Điện Biên Đông tiếp nhận, quản lý, sử dụng khoản viện trợ theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và yêu cầu của Nhà tài trợ.
Điện Biên là địa phương có đường biên giới dài hơn 455km, tiếp giáp với 2 nước Lào và Trung Quốc, với nhiều đường mòn, lối mở, trình độ dân trí không đồng đều, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.
Theo Công an tỉnh Điện Biên, đây là những điều kiện thuận lợi để các đối tượng xấu sử dụng những chiêu trò, thủ đoạn khác nhau để thực hiện hành vi buôn bán người qua biên giới.
Nạn nhân chủ yếu được nhắm đến là con gái độ tuổi từ 15-28, không có công ăn việc làm, trình độ dân trí thấp, nhận thức xã hội và pháp luật hạn chế. Theo đó, đối tượng xấu sử dụng các thiết bị điện tử liên lạc, hẹn hò, giả vờ yêu đương, rủ đi chơi hoặc sang Trung Quốc lấy chồng, sau đó lừa bán cho đối tượng người Trung Quốc lấy làm vợ…
Theo Công an tỉnh Điện Biên, từ năm 2019 đến hết tháng 9/2022, lực lượng chức năng đã khởi tố 5 vụ án, bắt 8 đối tượng, làm rõ 7 nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc.
Công an tỉnh Điện Biên cho biết, công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trên cả phương diện lý luận và thực tiễn. Tội phạm mua bán người có tỉ lệ ẩn rất cao bởi các đường dây tội phạm hoạt động có tổ chức rất chặt chẽ, các đối tượng cầm đầu thường ở sâu trong nội địa hoặc ở nước ngoài, chủ yếu dùng điện thoại, Facebook, Zalo ảo để chỉ đạo, điều hành đường dây.
Trong khi đó, đa số nạn nhân không dám khai báo, tố giác tội phạm do sợ bị trả thù, mặc cảm, tự ti, sợ ảnh hưởng đến danh dự của gia đình và tương lai của bản thân.
NH