Dịch ở Hà Nội phức tạp, có thể xuất hiện thêm nhiều chùm ca mới, cần có ý thức thực hiện 'tiêm vắc xin + 5K'
Phường Phú Đô (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã phải nâng cấp độ dịch lên mức cao nhất (cấp độ 4, vùng đỏ), dự báo Thủ đô có thể xuất hiện nhiều chùm ca bệnh mới…
Đường vào phường Phú Đô (phường duy nhất của Thành phố) buộc phải nâng cấp độ dịch lên mức 4 - nguy cơ rất cao |
Phường duy nhất nâng cấp độ dịch ở mức cao nhất (cấp độ 4)
Ngày 12/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội có Báo cáo số 4270/BC-KSBT về kết quả đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch Covid-19 (các tiêu chí 1 và 2, cập nhật đến sáng 12/11).
Theo đó, hiện thành phố ở cấp độ 2 trong phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với đó, 30 quận, huyện, thị xã ở cấp độ 2; 293 xã, phường ở cấp độ 2 (tăng 29 xã, phường so với công bố 6 ngày trước đó); 281 xã, phường ở cấp độ 1 (giảm 40 xã, phường); 4 xã, phường ở cấp độ 3 (tăng thêm 1 phường) và có duy nhất phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm) ở cấp độ 4.
Hiện tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn thành phố là 98% (đã đạt tỷ lệ tối thiểu là 70%); tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vắc xin là 61% (chưa đạt tỷ lệ tối thiểu là 80%).
Ngoài ra, trong 14 ngày gần đây, trên địa bàn thành phố ghi nhận 580 ca mắc trong cộng đồng, tỷ lệ 3 ca cộng đồng/100.000 dân/tuần. Như vậy, hiện thành phố và 30 quận, huyện, thị xã vẫn ở cấp độ 2 trong phòng, chống dịch Covid-19.
Đáng lưu ý, trong 14 ngày gần đây, có 5 xã, phường ghi nhận nhiều ca bệnh trong cộng đồng: Phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm; xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm; xã Yên Thường, huyện Gia Lâm; xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm; phường Cống Vị, quận Ba Đình.
Như vậy, theo đánh giá cấp độ dịch của toàn bộ 579 xã, phường, thị trấn, có 4 xã, phường: Phù Đổng, Yên Thường, Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm); Cống Vị (quận Ba Đình) ở cấp độ 3. Duy nhất phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm) ở cấp độ 4.
Dịch còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, có thể xuất hiện nhiều chùm ca bệnh mới
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho rằng, số ca mắc gia tăng và liên tục xảy ra các chuỗi lây nhiễm phức tạp liên quan tới việc tập trung đông người.
Hà Nội đã xuất hiện nhiều ổ dịch mới, nhiều ca bệnh không rõ nguồn lây, không triệu chứng… Tính đến thời điểm hiện nay, Hà Nội đang có 14 ổ dịch, chùm ca bệnh phức tạp và vẫn tiếp tục ghi nhận F0. Nguyên nhân là do sự đi lại, giao lưu của người dân sau khi được nới lỏng, sự chủ quan của một bộ phận người dân khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin...
Cùng với đó, thành phố đã ghi nhận hơn 100 ca dương tính là người trở về từ vùng dịch, trong đó có gần 100 ca lây nhiễm thứ phát.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh, thời gian qua, người dân từ các tỉnh, thành phố có dịch về Hà Nội chưa thực hiện nghiêm việc theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà.
Thậm chí, còn có hiện tượng giao lưu, tiếp xúc nhiều, nên đã có những ca lây nhiễm thứ phát. Đây cũng là một trong những lý do khiến dịch bệnh trên địa bàn thành phố về cơ bản được kiểm soát, nhưng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, có thể xuất hiện nhiều chùm ca bệnh mới.
Đồng tình với quan điểm này, chia sẻ với phóng viên, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, Hà Nội mở cửa để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sẽ phải đối diện với việc xuất hiện nhiều ca bệnh.
“Đây là điều đã được dự báo, Hà Nội vẫn đang kiểm soát được dịch bệnh. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng người dân chủ quan, cho rằng đã có thẻ xanh vắc xin là an toàn.
Tuy nhiên, người dân không được dựa vào việc đã tiêm vắc xin mà chủ quan trong sinh hoạt. Mỗi người cần có ý thức thực hiện “tiêm vắc xin + 5K” để bảo đảm chung sống an toàn với dịch”, PGS. TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Đề cập đến các biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian tới, Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, thành phố tiếp tục bám sát theo chỉ đạo chung của Chính phủ.
Theo đó, tương ứng với từng khu vực, thành phố sẽ có sự điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với tình hình dịch. Hà Nội sẽ không giãn cách, phong tỏa diện rộng như trước đây, mà xử lý các ổ dịch theo nguyên tắc, nguy cơ đến đâu, khoanh đến đấy.
N. Huyền
Tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn tử vong khi mắc Covid-19: Nhóm đối tượng nào nguy hiểm nhất?
Tại TP.HCM ghi nhận các trường hợp tử vong sau khi mắc Covid-19 dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Các chuyên gia cho rằng tỷ lệ tử vong khi tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn có và tuỳ các đối tượng.
Vì sao nhiều nơi cách ly F1, điều trị F0 tại nhà, Hà Nội vẫn cách ly tập trung?
Trong 1 tháng qua, số ca mắc Covid-19 tăng liên tục nhưng Hà Nội chưa thực hiện cách ly F1, điều trị F0 tại nhà vì các khu cách ly tập trung chưa quá tải.
10 trường hợp tử vong dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19, khẩu trang là 'bùa hộ mệnh'
Cần có nghiên cứu rõ hơn đánh giá nguyên nhân tử vong, tiêm loại vắc xin gì, thời điểm tiêm, liều tiêm… Tuy nhiên, dù đã tiêm vắc xin Covid-19 không phải đều được bảo vệ 100%.