Tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn mắc Covid-19: Nhóm đối tượng nào nguy hiểm nhất?
Tại TP.HCM ghi nhận các trường hợp tử vong sau khi mắc Covid-19 dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Các chuyên gia cho rằng tỷ lệ tử vong khi tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn có và tuỳ các đối tượng.
Theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, qua thống kê tại các bệnh viện điều trị Covid-19 trong những ngày qua đã ghi nhận 10 trường hợp đã tiêm 2 mũi vắc xin bị nhiễm bệnh, diễn tiến nặng và tử vong. Các bệnh nhân đều thuộc nhóm trên 60 tuổi, có bệnh lý nền.
TS Châu cho biết thêm, nghiên cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM đã chỉ ra số ca bệnh nặng thở máy xâm lấn ở người đã tiêm vắc xin ít hơn rất đáng kể so với những người chưa tiêm vắc xin.
PGS Châu khi phân tích về 10 trường hợp tử vong trong những ngày qua cho thấy đây là những người lớn tuổi, có bệnh nền. Nhưng không được chủ quan vì khi số ca mắc tăng cao sẽ có những người trẻ tuổi, tiêm 2 mũi vắc xin vẫn có thể bệnh nặng, tử vong. Đặc biệt khi bệnh nhân xuất hiện hội chứng cơn bão Cytokine bởi những phản ứng dữ dội của cơ thể bệnh nhân trẻ với tác nhân gây bệnh.
Cấp cứu bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM. |
Trao đổi với chúng tôi, PGS Đỗ Văn Dũng – Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường đại học Y Dược TP.HCM cho biết, không có vắc xin nào có hiệu quả tuyệt đối. Hiện nay vắc xin ngừa Covid-19 cũng được chứng minh giảm đáng kể tỷ lệ trở nặng và tử vong đối với người nhiễm nhưng vẫn có khoảng 10% bệnh nhân đã tiêm đủ hai mũi vắc xin nhiễm bệnh và trở nặng, thậm chí tử vong.
Tuy nhiên, so với nguy cơ chưa tiêm vắc xin thì thấp hơn rất nhiều. Vì vậy, PGS Dũng cho rằng người dân không nên hoang mang, nhưng không thể quan điểm rằng đã tiêm đủ vắc xin sẽ không mắc bệnh và mắc bệnh cũng không nguy hiểm đến tính mạng, bởi dù tỷ lệ tử vong rất thấp nhưng vẫn có thể xảy ra.
Thực tế tại các quốc gia cũng đều ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đã tiêm vắc xin vẫn có thể trở nặng nhưng thấp hơn.
PGS Dũng cho biết, khi tiêm vắc xin thì hiệu quả miễn dịch bảo vệ của vắc xin cũng tuỳ từng người. Những người trẻ, khoẻ thì kháng thể sẽ cao hơn những người suy giảm miễn dịch, tuổi cao, có bệnh nền.
Những đối tượng dù đã tiêm đủ hai mũi vắc xin vẫn nên rất cẩn trọng đó là:
Thứ nhất, những người già. Dù nhóm người này đã tiêm hai mũi vắc xin thì vẫn cần tuân thủ phòng dịch, không nên đến nơi đông người như đi chợ, siêu thị. Không nên lơ là, bỏ 5K. Bản thân PGS Dũng chia sẻ ông chưa bao giờ bỏ 5K dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin vì bất cứ ai cũng có nguy cơ nhiễm bệnh.
Thứ hai, người có bệnh mãn tính như ung thư, phổi tắc nghẽn mãn tính, đái tháo đường... Những người này dù tiêm vắc xin thì nguy cơ bệnh nặng sau tiêm vẫn còn, nhất là những người có bệnh nền nặng, kèm theo nhiều tuổi.
Thứ ba, nhóm người béo phì. PGS Dũng cho biết những người thuộc các nhóm đối tượng này hết sức cẩn trọng, không chủ quan khi đã tiêm vắc xin. Hiện nhiều nước đã tiến hành tiêm vắc xin thêm mũi thứ 3 cho nhóm đối tượng này.
Tuy nhiên, khi chưa triển khai tiêm mũi 3 vắc xin phòng Covid-19, PGS Dũng khuyến cáo các gia đình có người già, người có bệnh mãn tính cần phòng bệnh nghiêm, người trẻ ra ngoài về cần khử khuẩn. Hiện tại, PGS Dũng cho rằng khẩu trang, khử khuẩn và giãn cách vẫn là biện pháp phòng bệnh rất tốt.
Ngoài ra, chủng virus Delta lây lan cả trong không khí, các môi trường kín dù không tiếp xúc gần nên các khu vực môi trường bí, kín, có máy lạnh thì người già, người có bệnh nền không nên đến như sân bay, siêu thị, cửa hàng tiện ích… nên để người trẻ trong nhà đi chợ, siêu thị.
Các địa phương cần tăng cường năng lực điều trị cho bệnh nhân Covid-19 để phát hiện sớm các trường hợp trở nặng, hỗ trợ điều trị kịp thời cũng là biện pháp ngăn ngừa tử vong cho bệnh nhân Covid-19.
Khánh Chi
Vì sao nhiều nơi cách ly F1, điều trị F0 tại nhà, Hà Nội vẫn cách ly tập trung?
Trong 1 tháng qua, số ca mắc Covid-19 tăng liên tục nhưng Hà Nội chưa thực hiện cách ly F1, điều trị F0 tại nhà vì các khu cách ly tập trung chưa quá tải.