Đến giữa tháng 11/2022, xuất siêu ước đạt 8,66 tỷ USD
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 11 năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 28,4 tỷ USD, giảm 6,3% so với nửa cuối tháng 10/2022.
Như vậy, lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/11/2022 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 645 tỷ USD.
Trong nửa đầu tháng 11, kim ngạch xuất khẩu đạt 13,63 tỷ USD, giảm 2,72 tỷ USD tương ứng giảm 16,6% so với kỳ 2 tháng 10/2022.
Các nhóm hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn (đạt 1 tỷ USD trở lên) gồm: điện thoại và linh kiện (2,38 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (1,78 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (1,67 tỷ USD) và dệt may (1,4 tỷ USD). Tính từ đầu năm đến hết 15/11, xuất khẩu của Việt Nam đạt 327 tỷ USD.
Về nhập khẩu, nửa đầu tháng 11/2022 đạt 14,8 tỷ USD, tăng 5,9% (tương ứng tăng 0,8 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 10/2022.
Ba nhóm hàng nhập khẩu trên 1 tỷ USD trong nửa đầu tháng 11 là: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (2,86 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (1,97 tỷ USD); điện thoại các loại và linh kiện (1,06 tỷ USD). Tính đến hết 15/11, nhập khẩu của cả nước đạt 318 tỷ USD.
Như vậy, trong nửa đầu tháng 11, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 1,15 tỷ USD. Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/11, cả nước vẫn xuất siêu 8,66 tỷ USD.
Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hoá, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 871/CĐ-TTg ngày 29/9/2022 về chấn chỉnh, xử lý các hành vi tiêu cực liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới đất liền.
Công điện của Thủ tướng nhằm chấn chỉnh tình trạng môi giới trung gian làm thủ tục hành chính để doanh nghiệp, chủ hàng được nhanh chóng thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu diễn ra ở hầu hết các địa phương có cửa khẩu biên giới đất liền.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Công an, Quốc phòng, Công Thương, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố theo dõi sát diễn biến, kịp thời có giải pháp điều tiết hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tại các cửa khẩu. Đặc biệt, không để xảy ra tình trạng ùn tắc, "làm luật" với các doanh nghiệp, chủ phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu, kịp thời phát hiện xử lý những vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng hải quan rà soát, đánh giá việc thực hiện quy trình, thủ tục thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại các cửa khẩu biên giới đất liền; đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa quản lý hải quan.
Cùng với đó là thực hiện đúng các quy định của pháp luật, quy trình nghiệp vụ hải quan trong quá trình giám sát, kiểm soát phương tiện vận tải, phân loại hàng hóa, phân luồng, thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động đại lý hải quan.
Đồng thời, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp công chức hải quan có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực khi làm thủ tục thông quan hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu.
Bên cạnh đó, ngành Hải quan cũng tích cực phối hợp chặt chẽ với các ngành, lực lượng chức năng (Công an, Bộ đội biên phòng, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải…) để rà soát, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa…
Tại buổi làm việc phiên họp lần thứ tám của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại vừa mới diễn ra, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh- Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899) đã đánh giá cao kết quả thực hiện của Ủy ban 1899 và các Bộ, ngành trong hai năm qua đã đạt được một số kết quả tốt trong vấn đề thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, đặc biệt là kiểm tra chuyên ngành để tạo thuận lợi cho thương mại và hoạt động của doanh nghiệp, người dân trong các hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại, xuất nhập cảnh. Theo báo cáo bảng xếp hạng trong ASEAN, có những lĩnh vực đã vượt hàng đầu, đến nay đã kết nối toàn bộ 9 nước ASEAN trong các thủ tục, Cơ chế một cửa.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, đến ngày 30/9/2022, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 249/261 thủ tục hành chính của 13 Bộ, ngành đã kết nối. Riêng năm 2021 đã hoàn thành triển khai chính thức 36 thủ tục hành chính và 6 tháng đầu năm 2022 là 6 thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia.
Tuân Nguyễn