Để du khách đến với Quảng Ninh dễ dàng hơn
Xác định hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ là một nút thắt căn bản cần được tháo gỡ, từ đó tạo đà cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã tập trung huy động mọi nguồn lực để “khơi thông” nút thắt này. Với việc đặt nhiệm vụ đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ lên nhóm đầu trong 3 khâu đột phá chiến lược mà tỉnh đã đề ra, trong 5 năm vừa qua, Quảng Ninh đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư.
![]() |
Cho đến nay, hầu hết các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ đã được đầu tư nâng cấp đáp ứng nhu cầu giao thông, nhất là từ năm 2013 đến nay, hạ tầng giao thông của Quảng Ninh đã có những khởi sắc với nhiều công trình được xây dựng. “Đặc biệt, trong thu hút đầu tư vào các công trình giao thông trọng điểm sử dụng vốn ngoài ngân sách đã được tỉnh Quảng Ninh triển khai rất hiệu quả, đây là hướng đi tất yếu trong điều kiện hiện nay. Quảng Ninh được đánh giá là tỉnh đứng đầu trong các địa phương thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách vào đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông và là tỉnh đầu tiên được Chính phủ giao làm đường cao tốc bằng vốn xã hội hóa.
Nhờ thu hút được nguồn lực này mà đến nay Quảng Ninh được ví như một “đại công trường”, khi khu vực miền Tây đang sôi động với các dự án cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, dự án đường Bắc Ninh - Uông Bí; khu vực miền Đông đang cũng tấp nập với những dự án được xem sẽ là động lực phát triển cho khu kinh tế Vân Đồn như: Cảng hàng không Quảng Ninh, đường dẫn và cầu Bắc Luân II; còn khu vực trung tâm của tỉnh là tuyến cao tốc xuyên suốt Hạ Long - Vân Đồn với số vốn đầu tư kỷ lục đạt hơn 12.000 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa... Với quyết tâm hoàn thành các công trình đúng tiến độ, hiện các nhà thầu thi công đang tập trung tăng tốc; trong đó, dự án cao tốc Hạ Long - Hải Phòng sẽ phấn đấu hoàn thành trong năm 2017.
Để phát huy lợi thế, thu hút đầu tư cho Khu Kinh tế Vân Đồn, tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và Cảng hàng không Quảng Ninh cũng đang trong giai đoạn tích cực triển khai, hầu hết các gói thầu của 2 dự án được thi công đồng loạt. Diện mạo tuyến cao tốc hiện đại và Cảng hàng không đang hình thành, dự kiến hoàn thành trong năm 2018.
Bên cạnh tập trung cho những dự án mới, tỉnh cũng đang nâng cấp mở rộng hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ, như: Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 (đoạn Bắc Ninh - Uông Bí, Hạ Long - Mông Dương). Theo ông Ngô Văn Vịnh, Phó Giám đốc Công ty cổ phần BOT Phả Lại (doanh nghiệp dự án), mặc dù đang gặp nhiều khó khăn trong giải phóng mặt bằng, nhưng với quyết tâm của chủ đầu tư và tỉnh Quảng Ninh, dự án sẽ cố gắng hoàn thành vào năm 2017.
Cùng với hơn 300 km tỉnh lộ và 2.000 km đường liên huyện, liên xã, nhiều dự án, công trình giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh đã được hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả sau đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương của người dân trong tỉnh cũng như với các tỉnh trong khu vực.
Song song với đầu tư hạ tầng đường bộ, hàng không, phát triển giao thông đường biển cũng được Quảng Ninh đầu tư mạnh mẽ. Đó là hệ thống cảng khách phục vụ phát triển du lịch được đầu tư nâng cấp hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Điển hình là Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu với tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng đã khẳng định được thế mạnh, là điểm nhấn trong bức tranh du lịch Quảng Ninh, cửa ngõ của Vịnh Hạ Long.
Để hạ tầng giao thông của Quảng Ninh tiếp tục phát huy vai trò là ngành đi trước đón đầu, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa hồi tháng 7/2016, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ Giao thông Vận tải có chủ trương ưu tiên đầu tư sớm 3 dự án: Cầu vượt Loong Toòng, mở rộng nâng cấp Quốc lộ 4B, mở rộng nâng cấp Quốc lộ 279.
Bên cạnh đó, tỉnh đề nghị Bộ Giao thông Vận tải đồng thuận và báo cáo Chính phủ tiếp tục giao cho Quảng Ninh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thu hút đầu tư dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái theo hình thức BOT. Một số nội dung liên quan đến việc mở rộng, đầu tư hệ thống đường sắt, cảng biển; tăng cường quản lý tàu khách tham quan trên Vịnh Hạ Long; Có cơ chế để nhà đầu tư quản lý khai thác Cảng hàng không Quảng Ninh...
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nếu giao thông thuận lợi, Quảng Ninh không chỉ khai thác triệt để lợi thế về địa kinh tế, mà còn góp phần phát huy tốt các tiềm năng thế mạnh khác của hơn 500 danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử được xếp hạng; Trong đó có di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, tạo cơ hội để phát triển dịch vụ du lịch, nhất là phát triển công nghiệp giải trí.