Dân văn phòng Hàn Quốc trở lại với 'ác mộng' sau giờ làm
Nhiều nhân viên văn phòng ở Hàn Quốc khiếp sợ cơn "ác mộng" đi ăn nhậu sau giờ làm khi toàn bộ lệnh giãn cách xã hội đã được gỡ bỏ.
Trong tháng Tư, chính phủ Hàn Quốc đã cho gỡ bỏ toàn bộ các biện pháp giãn cách xã hội vốn được dùng để kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh Covid-19. Những quy định về giờ giấc hoạt động của các quán hàng cũng được xóa bỏ. Song với không ít người trẻ ở Hàn Quốc, thông tin gỡ bỏ tất cả biện pháp giãn cách xã hội lại khiến cơn ác mộng quay trở lại.
Đối với các nhân viên văn phòng trẻ tuổi ở đất nước củ sâm, xóa bỏ những hạn chế để ngăn chặn dịch Covid-19 đồng nghĩa với sự trở lại của “hoesik” (văn hóa ăn nhậu sau giờ làm). Theo đó, các nhân viên trong cùng công ty sẽ tụ tập ăn uống tới tận đêm khuya để củng cố mối quan hệ đồng nghiệp.
Ăn nhậu sau giờ làm trở thành "ác mộng" với không ít nhân viên văn phòng ở Hàn Quốc. (Ảnh minh họa) |
Do diễn ra ngoài giờ làm, nên hoesik được tổ chức theo nhiều hình thức từ một bữa ăn tối đơn giản cho tới buổi đi chơi vào cuối tuần. Tuy nhiên, nói tới hoesik, người ta lại liên tưởng tới hình ảnh say xỉn.
“Trước đây, hoesik được xem là hoạt động thúc đẩy sự đoàn kết trong một nhóm. Nhưng ngày nay, nhiều nhân viên trẻ tuổi xem hoesik là công việc ngoài giờ”, Giáo sư Kwang-Yeong Shin tại Đại học Chung-Ang nói với Business Insider.
Theo ông Shin, quan niệm này đang trở nên phổ biến trong thế hệ MZ ở Hàn Quốc, một thuật ngữ được sử dụng mới đây chỉ cả gen Millennials (những người sinh năm 1981 - 1995) và Gen Z (những người sinh năm 1996 - 2005).
Quan niệm của người dân Hàn Quốc trước đây cho rằng, những buổi tụ tập sau giờ làm là một dạng công nhận xã hội. Nhưng với nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ MZ, những cuộc vui này chỉ nhằm “thể hiện văn hóa chuyên chế khiến ngày càng nhiều người trẻ chọn cách không tham gia”, theo nhận định của ông Yoon Duk-Hwan, nhà nghiên cứu về xu hướng của người tiêu dùng chia sẻ với BBC vào năm 2020.
Khi dịch Covid-19 bùng phát, người dân Hàn Quốc buộc phải thay đổi văn hóa nhậu sau giờ làm.
Bởi vào tháng 7/2021, chính phủ Hàn Quốc đã ban hành lệnh hạn chế cấp độ 4 ở khu vực đại đô thị Seoul để ngăn chặn sự lây lan của biến chủng Delta. Hoạt động tụ tập sau 18h chỉ giới hạn 2 người/chỗ, các quán bar buộc phải dừng hoạt động, ít nhất 30% nhân viên được yêu cầu làm việc tại nhà.
Nhiều người dân Hàn Quốc cho rằng dịch Covid-19 xuất hiện đã làm thay đổi văn hóa công sở ở nước này, cũng như mang lại một tác động tích cực ít ỏi giữa lúc dịch bệnh hoành hành. Bởi trước khi Covid-19 xuất hiện, người lao động Hàn Quốc thường xuyên phải làm thêm giờ. Theo đó, mỗi tuần họ phải làm việc tới 52 tiếng đồng hồ nhưng vẫn phải đi chơi hoặc tụ tập ăn uống cùng đồng nghiệp sau giờ làm. Nhưng khi được yêu cầu làm việc từ xa, họ chỉ cần chuyên tâm làm việc và không lo bản thân bị say xỉn trước lúc về nhà.
Anh Eric Seo (30 tuổi), trưởng phòng kinh doanh tại một công ty mới khởi nghiệp, cho hay thật may mắn anh không phải trải qua văn hóa hoesik.
“Đa phần nhân viên trong công ty đều là người trẻ và không cần phải tuân thủ văn hóa truyền thống. Khi chúng tôi được hỏi về chuyện đi chơi, thật bình thường khi nói ‘Không’”, anh Seo chia sẻ.
“Văn hóa công sở đã thay đổi rất nhiều trong thế kỷ 21 cho thấy sự cá tính hóa ngày càng lớn trong thế hệ trẻ”, Giáo sư Shin nhận định.
Trong khi các nhân viên thuộc thế hệ trẻ có cái nhìn tiêu cực với hoesik, nhưng Giáo sư Suh Yong-gu tại Đại học Nữ Sookmyung ở Seoul nói với Reuters rằng, “nhiều nhân viên lão làng tin rằng những buổi tụ tập sau giờ làm là cần thiết để củng cố tình đồng nghiệp”.
“Hoesik không phải là khoảng thời gian lãng phí cho việc uống rượu, mà nó là cách để mọi người được trò chuyện và tăng cường khả năng làm việc theo nhóm”, ông Chae, một nhân viên văn phòng ngoài 40 tuổi nói với Korea Herald.
Nhưng theo anh Seo, một số người bạn của anh này đang làm việc cho những công ty vẫn thực hiện văn hóa hoesik, họ không thể từ chối lời mời của cấp trên đi ăn nhậu sau giờ làm.
“Các bạn tôi cảm thấy bị áp lực. Họ nghĩ rằng nếu không đi tụ tập, họ sẽ bị xem là thành phần đi ngược với văn hóa của công ty”, anh Seo cho biết.
Song Giáo sư Shin nói thêm hiện tại, cấp trên và cả những nhân viên làm việc lâu năm trong các công ty đang ngày càng thấu hiểu hơn và chấp nhận quyết định của thế hệ MZ về việc không tham gia văn hóa hoesik.
“Những thế hệ đi trước nhận ra rằng, thế hệ trẻ hiện nay sống hoàn toàn khác so với họ”, ông Shin nhấn mạnh.
Nhà hàng Thái Lan dùng tàu hỏa mini vận chuyển thực khách
Một nhà hàng ở Thái Lan thu hút nhiều người tới dùng bữa nhờ chiếc tàu hỏa mini đặc biệt.
Minh Thu (lược dịch)