Dân rụt cổ gánh điện giá cao để EVN trả lương sếp tiền tỷ
![]() |
Để đánh giá mức thu nhập của lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là cao hay thấp, cần nhìn vào hiệu quả hoạt động của các đơn vị này. Tuy nhiên, nhiều đơn vị không cho thấy sự minh bạch trong hiệu quả của mình.
Dư luận đang xôn xao câu chuyện trả lương, thưởng cho các thành viên ban lãnh đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi “ông lớn” này công bố mức thù lao năm 2015 cho ban lãnh đạo, trong đó có người nhận lương thưởng lên tới hơn 800 triệu đồng năm 2015.
Theo báo cáo của EVN, ban lãnh đạo tập đoàn gồm 13 người có thu nhập trên dưới 600 triệu đồng năm 2015. Cụ thể, ông Mai Quốc Hội, thành viên hội đồng thành viên (HĐTV) được trả lương 632 triệu đồng, cộng với các khoản thưởng phúc lợi, tổng thu nhập năm 2015 của ông Hội là 866 triệu đồng. Trong khi đó, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV EVN từ 25/3/2015 có mức thu nhập 618 triệu đồng. Hai thành viên HĐTV khác là ông Phạm Mạnh Thắng và Đào Hiếu lần lượt là 518 triệu đồng và 647 triệu đồng.
Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Tài Anh thu nhập cả năm là 660 triệu đồng. Các lãnh đạo chủ chốt khác như: Tổng giám đốc Đặng Hoàng An, Phó Tổng giám đốc Đinh Quang Tri, Nguyễn Tấn Lộc, Nguyễn Cường Lâm đều có thu nhập khoảng 600 triệu đồng. Ở mức thấp hơn là Kiểm soát viên có mức lương thấp hơn khoảng 400 triệu đồng.
PV Infonet đã liên lạc đặt câu hỏi về vấn đề này qua số máy của Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tấn Lộc, nhưng ông Lộc không hồi âm.
Trao đổi với PV Infonet, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, EVN là doanh nghiệp nên họ có quy chế riêng về quỹ lương, thưởng. Tuy nhiên, vì là doanh nghiệp nhà nước nên cần phải minh bạch về cách tính lương, thưởng cho lãnh đạo.
“Tôi không có ý kiến về mức lương cao hay thấp của lãnh đạo EVN nêu họ làm ăn có lãi thì họ được quyền chi trả theo điều lệ của doanh nghiệp. Vấn đề là lãnh đạo EVN hay SCIC cần phải chứng minh họ xứng đáng với mức thu nhập đó, bởi đây là doanh nghiệp nhà nước chứ không phải doanh nghiệp tư nhân,” TS Lưu Bích Hồ nói.
Đánh giá về tính hiệu quả của EVN cũng như SCIC, TS Lưu Bích Hồ cho rằng khi số liệu cụ thể chưa được công bố sẽ rất khó để đưa ra đánh giá chính xác. Tuy nhiên, với việc EVN liên tục báo lỗ để đòi tăng giá điện thì người dân có quyền đặt câu hỏi về hiệu quả hoạt động của tập đoàn này.
Trao đổi với PV Infonet, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng mức thu nhập đó là bình thường nếu căn cứ theo Nghị định 51/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc... trong Doanh nghiệp nhà nước.
Tiền lương, thù lao của viên chức quản lý được hạch toán vào giá thành hoặc chi phí kinh doanh và được thể hiện thành một mục trong báo cáo tài chính hàng năm của công ty. Tiền thưởng của viên chức quản lý được xác định theo năm tương ứng với hiệu quả sản xuất, kinh doanh, kết quả quản lý, điều hành hoặc kiểm soát, được trả một phần vào cuối năm, phần còn lại sau khi kết thúc nhiệm kỳ.
Quỹ tiền thưởng quy định tại Khoản 1 Điều này, hàng năm được trích 90% để thưởng cuối năm. Phần tiền thưởng còn lại (10%) được dùng để thưởng khi kết thúc nhiệm kỳ theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của cả nhiệm kỳ của viên chức quản lý. Tiền lương, thù lao, tiền thưởng được trả cho viên chức quản lý gắn với mức độ đóng góp vào hiệu quả sản xuất, kinh doanh và kết quả quản lý, điều hành của viên chức quản lý theo quy chế trả lương, thù lao, tiền thưởng của công ty.
Với quy định của Nghị định trên, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng mức lương cho chức danh tương đương Giám đốc là 50- 60 triệu đồng/tháng là bình thường, nếu cộng thêm mức thưởng thì con số mà lãnh đạo EVN "không có gì bất thường".
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ EVN luôn báo lỗ khi cần tăng giá điện, và các năm gần đây vẫn liên tục báo lãi ngàn tỷ báo lãi. Câu chuyện sẽ khó phân định rạch ròi bởi thực chất lương lãnh đạo EVN cao khi bám vào công bố lãi ngàn tỷ nhưng thực chất là EVN đang được phép san sẻ các khoản lỗ từ các năm trước bù vào giá điện để toàn bộ người dùng điện è cổ gồng gánh.