Đắk Lắk: Ba xã của huyện Chư M’gar đạt chuẩn Nông thôn mới
Ngày 27/11, Đại tá Bùi Quang Chi, Phó Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc (V28) Bộ Công an dẫn đầu đoàn công tác Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia của Trung ương đã có buổi làm việc với chính quyền huyện Chư M’gar, tỉnh Đắk Lắk về tình hình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2017.
Theo báo cáo của UBND huyện Chư M’gar, tỉnh Đắk Lắk tính đến nay đã có 3 xã thuộc huyện được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới, đó là xã Quảng Tiến, Ea Kpam và Ea Tul. 3 xã khác là xã Cuôr Đăng, Ea M’nang, Quảng Hiệp đang hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị tỉnh xét công nhận xã đạt chuẩn 19 tiêu chí trong năm nay. Ngoài ra còn có 4 xã đạt từ 15- 18 tiêu chí và 5 xã đạt từ 10 – 14 tiêu chí.
Về những kết quả đạt được của chính quyền huyện Chư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, Đại tá Bùi Quang Chi đánh giá cao những nỗ lực của địa phương và đề nghị chính quyền huyện này cần chú trọng đến vấn đề chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xử lý triệt để vấn đề thu gom rác thải, bảo vệ môi trường hơn nữa trong thời gian tới.
Theo huyện Chư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, thời gian qua các xã trên địa bàn huyện đã huy động nhân dân đóng góp hơn 8 tỷ đồng, 4.300 ngày công và hiến hơn 14.000 m2 đất để sửa chữa, nâng cấp và làm mới được hơn 86 km đường giao thông nông thôn; nâng cấp tuyến kênh thủy lợi.
![]() |
Đoàn công tác khảo sát công tác tình hình sản xuất nông nghiệp tại huyện Chư M'gar. (Ảnh: Báo Đắk Lắk) |
Tất cả thôn buôn đều có điện lưới quốc gia phục vụ sinh hoạt và sản xuất. 100% xã, thị trấn được công nhận phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. 15 xã đều đạt tiêu chí giáo dục. Tất cả trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ mua bảo hiểm y tế đạt trên 57%. Có 10/15 xã đạt tiêu chí môi trường. Thu nhập bình quân toàn huyện năm 2017 ước đạt 33 triệu/người/ năm. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều toàn huyện là 7%.
Nhờ đẩy mạnh phong trào xây dựng Nông thôn mới, đến nay các xã tại huyện Chư M’gar đã và đang tạo nên nền tảng hạ tầng vững chắc, có thêm điều kiện thuận lợi để tiếp tục phát huy lợi thế, đặc thù của địa phương thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, tạo dựng diện mạo mới, đặc biệt nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cư dân nông thôn.
Đơn cử như xã Quảng Hiệp, đây là xã thuần nông, dân số đông, nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, tập quán sinh hoạt và sản xuất ở mỗi vùng miền cũng có nhiều khác biệt. Trước đây, người dân sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, nên đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, số hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao.
Từ khi triển khai phong trào xây dựng nông thôn mới, người dân nơi đây đã dần thay đổi tập quán và phương thức sản xuất cũ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật - công nghệ để nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích.
Hàng năm Đảng ủy, HĐND, UBND xã Quảng Hiệp đều xây dựng và ban hành các Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế, định hướng cho nhân dân sản xuất, đặc biệt là việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật - công nghệ để sản xuất bền vững và thân thiện môi trường.
Ông Nguyễn Văn Tập – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Hiệp cho biết, trong những năm qua, Hội Nông dân xã đã cùng với các tổ chức đoàn thể xã tập trung đẩy mạnh công tác chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật -công nghệ cho người dân sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đến nay việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn xã đang đi theo đúng định hướng. Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế để nhân dân tham khảo, học tập.
Trên cơ sở đó, xã Quảng Hiệp đã cơ bản đạt chuẩn 16/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Từ việc đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp - đến nay đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân xã Quảng Hiệp không ngừng được cải thiện, góp phần xây dựng địa bàn nông thôn ngày càng phát triển toàn diện theo chuẩn nông thôn mới.