Đại gia đào vàng xin trả nợ kiểu DN "khó khăn đặc biệt"
"Công ty đã trình đề xuất 2 phương án gia hạn nộp số thuế khoảng 242 tỷ đồng còn nợ từ tháng 1/2013 đến hết tháng 8/2014 lên Thủ tướng Chính phủ từ tháng 8 và hiện đang chờ quyết định".
Cụ thể, phương án 1, công ty sẽ được hưởng thời gian gia hạn nộp thuế không quá 2 năm, kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ cho phép theo quy định của Luật Quản lý thuế. Không bị phạt chậm nộp tính trên số tiền thuế nợ trong thời gian gia hạn nộp thuế. Xin được xóa và miễn toàn bộ số tiền phạt chậm trả đã phát sinh trong thời gian qua theo chủ trương hiện thời của Bộ Tài chính dành cho các doanh nghiệp đang gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Hết thời gian được gia hạn nộp, Công ty sẽ nộp đầu đủ số thuế được gia hạn vào ngân sách nhà nước. Nộp đầy đủ, kịp thời số thuế phát sinh của các thời hạn không được Thủ tướng cho gia hạn vào ngân sách nhà nước.
Ông Paul Seton, Tổng giám đốc Besra Việt Nam cho biết đã trình 2 phương án gia hạn nộp số thuế khoảng 242 tỷ đồng còn nợ lên Thủ tướng từ tháng 8 và đang chờ quyết định. |
Phương án 2: Nộp dần số tiền thuế nợ theo tình hình thực tế của doanh nghiệp trong vòng 2 năm bắt đầu từ khi Thủ tướng Chính phủ cho phép. Người nộp thuế không bị phạt chậm nộp tính trên số tiền thuế nợ trong thời gian gia hạn nộp thuế.
Người nộp thuế xin được xóa và miễn toàn bộ số tiền phạt chậm trả đã phát sinh trong thời gian qua theo chủ trương hiện thời của Bộ Tài chính dành cho các doanh nghiệp đang gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Ông Paul cho biết: Besra sẽ cố gắng thuyết phục để được chấp thuận một trong hai phương án trả nợ trên.
Công ty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu là 2 nhà máy sản xuất vàng lớn nhất Việt Nam thuộc Tập đoàn Besra quản lý, nhưng đang nợ thuế khoảng 242 tỷ đồng. Cục thuế Quảng Nam đã cưỡng chế thuế với hình thức phong tỏa tài khoản và vô hiệu hóa hóa đơn khiến 2 công ty này phải ngừng hoạt động từ tháng 7/2014, nhưng đến ngày 30/9/2014, Ban lãnh đạo Besra Việt Nam chính thức khôi phục lại hoạt động sản xuất tại mỏ vàng Bồng Miêu.
Trước tình trạng nợ thuế, vị đại diện Tập đoàn Besra Việt Nam giải thích, bên cạnh biến động giá kim loại quý thời gian qua, một phần nguyên nhân dẫn tới tình trạng nợ thuế là do chính sách của cơ quan quản lý. Cụ thể, cùng với việc phải chịu một quyết định truy thu thuế xuất khẩu vàng từ phía Tổng cục Hải quan, doanh nghiệp này hiện phải đóng tổng cộng 18 loại thuế, phí khác nhau.
Thuế tài nguyên áp dụng cho Phước Sơn năm 2008 là 6%, tính trên doanh thu khấu trừ các chi phía khác nhưng năm 2009 thuế này đã tăng lên 9% và năm 2010 tăng lên 15% và tính thẳng lên giá trị tổng sản lượng thì đây là mức tăng rất lớn”, ông Paul nói.
Cùng với đó, ông Paul cho biết, do thiên tai, bão lụt xảy ra vào tháng 11/2013, đẩy Bồng Miêu vào thời gian tạm ngừng hoạt động, phải đến tận tháng 6/2014 mới khắc phục xong sự cố, đồng thời gây thiệt hại nghiêm trọng cho mỏ vàng Phước Sơn.
Đồng thời, việc chậm thanh toán bồi thường bảo hiểm của Bảo Minh hơn 1 năm nay cũng gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động của công ty.
Vị đại diện Besra cũng trần tình rằng, 97% doanh thu từ bán vàng được tái đầu tư trở lại Việt Nam, trong đó có 20% để trả thuế phí và thuế tài nguyên. Công ty hiện chỉ có khoảng 1% lợi nhuận, dùng để trả các khoản vay ngoài Việt Nam và dùng cho vốn lưu động.
Khi PV đề cập đến việc cung cấp con số cụ thể về các khoản nợ như nợ thuế, nợ các nhà thầu, nhà cung cấp, nợ bảo hiểm xã hội… phía Besra trả lời sẽ cung cấp số chính xác sau. Tuy nhiên, ông Paul khẳng định, mặc dù còn nợ số tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động là 6,4 tỷ đồng nhưng họ không nợ một đồng lương nào của người lao động.
Tiết lộ về số lượng người lao động đã và đang làm việc tại 2 công ty, phía Besra cho biết: Tại Công ty Bồng Miêu, trước khi ngừng hoạt động thì có 800 lao động, nhưng đến nay khi mới hoạt động trở lại chưa đầy 2 tháng thì chỉ mới có khoảng 100 người.
Còn tại Công ty Phước Sơn thì trước khi đóng cửa có hơn 1.000 lao động, hiện chỉ có chưa đến 10 người làm việc để trông coi nhà máy.