Công nghệ là chìa khóa giúp ASEAN giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông
Tình trạng tắc nghẽn giao thông ở Đông Nam Á vẫn đang là vấn đề nhức nhối đối với các nhà hoạch định chính sách trong khu vực. Tuy nhiên, một số quốc gia đã bắt đầu có những bước đi ban đầu nhằm giảm thiểu tình trạng tắc nghẽn giao thông. Ví dụ, Việt Nam đưa ra đề án cấm xe máy vào năm 2030 trong khi Singapore triển khai thu phí đường bộ và tăng phí sở hữu xe để hạn chế số lượng xe tư nhân.
Công nghệ là chìa khóa giúp ASEAN giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông. |
Song theo ASEAN Post, đây cũng chính là cơ hội để các công ty và nhà phát triển công nghệ tìm kiếm giải pháp giúp chính phủ cũng như người tham gia giao thông. Việc ứng ụng trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây đang trở thành xu hướng khi mà những công nghệ mới liên tục được các nước trong khu vực cập nhật. Điều này dẫn tới ngày càng nhiều công ty tìm hiểu về các công nghệ để đưa ra giải pháp giúp giảm gánh nặng giao thông.
Hồi tháng Một, Malaysia trở thành quốc gia đầu tiên bên cạnh Trung Quốc ứng dụng giải pháp mang tên “City Brain” của Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba. Đây là hệ thống quản lý giao thông sử dụng cùng lúc dữ liệu lớn, AI và điện toán đám mây để giúp các thành phố quản lý nhu cầu giao thông vận tải ngay trong nội đô. Hệ thống này lần đầu tiên được ứng dụng ở thành phố Hàng Châu, nơi đặt trụ sở của Tập đoàn Alibaba. Được đưa vào hoạt động từ cuối năm 2016, City Brain của Tập đoàn Alibaba đã giúp cắt giảm 15% tình trạng tắc nghẽn giao thông ở Hàng Châu.
Hàng Châu có dân số 7 triệu người và từng đứng thứ 5 trong số những thành phố đông đúc nhất của đất nước tỷ dân.
Triển vọng ứng dụng City Brain
City Brain sử dụng trí tuệ nhân tạo để thu thập thông tin ở khắp Hàng Châu như video từ camera giao lộ và dữ liệu GPS về vị trí của ô tô và xe bus hoạt động trong thành phố.
Nền tảng trên phân tích thông tin theo thời gian thực và phối hợp với hơn 1.000 tín hiệu đường bộ quanh thành phố với mục đích ngăn chặn hoặc giảm bớt tình trạng tắc nghẽn giao thông.
Ngoài ra, nhiều chương trình như City Brain còn có thể kết nối với một loạt hệ thống quản lý thành phố bao gồm báo động khẩn cấp, gọi xe cứu thương, điều hành giao thông và kiểm soát đèn tín hiệu giao thông.
Bằng cách tích hợp và phân tích dữ liệu theo thời gian thực từ nhiều hệ thống quản lý khác nhau, các dòng phương tiện giao thông di chuyển trong thành phố có thể được tối ưu hóa để nhường đường cho các xe ưu tiên. Cụ thể, các tuyến đường nhanh nhất sẽ được xác lập để các xe cứu thương có thể tiếp cận vị trí đã xác định trong thời gian ngắn nhất.
Ngoài điều hành giao thông, điện toán đám mây với sự hỗ trợ của AI còn hiện thực hóa tầm nhìn cho những xe không người lái trong khu vực.
Hồi tháng Chín năm ngoái, Chủ tịch Alibaba Cloud, ông Simon Hu cho biết Kuala Lumpur đã “tạo ra bước đột phá trong quản lý giao thông”. Do đó, các nhà hoạch định chính sách Kuala Lumpur đang có kế hoạch triển khai giải pháp City Brain ở nhiều khu vực khác trên lãnh thổ Malaysia.
Trong một bản báo cáo, Viện Nghiên cứu Toàn cầu McKinsey cho hay những công cụ như City Brain có thể giúp giảm tai nạn giao thông chết người từ 8 – 10%, tăng khả năng đối phó với những trường hợp khẩn cấp lên 20 – 35% và cắt giảm thời gian di chuyển trung bình từ 15 – 20%.
Thậm chí, theo Viện McKinsey, việc ứng dụng công nghệ trong điều hành giao thông còn giúp cắt giảm phát thải khí nhà kính (GHG) từ 10 – 15%.
Nói cách khác, việc Malaysia ứng dụng giải pháp City Brain đã đặt nền móng quan trọng và tạo cơ hội cho nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á vốn đau đầu với vấn nạn tắc nghẽn giao thông như Indonesia và Philippines noi theo.
Hồi năm ngoái, Jakarta từng được xếp đứng hàng thứ 3 trên thế giới trong danh sách các thành phố tắc nghẽn giao thông kinh hoàng nhất thế giới chỉ sau Mexico City và Bangkok.
Hiện thủ đô của Indonesia có hơn 13 triệu xe máy cùng 4,4 triệu ô tô lưu thông trên đường. Ước tính hơn 2,1 triệu lượt phương tiện giao thông di chuyền từ ngoại ô vào thủ đô Jakarta mỗi ngày.
Còn với Manila, khu vực sinh sống của 13 triệu người, chi phí giao thông của thành phố là gần 70 triệu USD trong hoạt động kinh tế vào năm 2017, theo số liệu từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản.
Đây là lý do hồi tháng trước, chính phủ Philippines cũng đã quyết định chi 180 tỷ USD cho chương trình hiện đại hóa hệ thống giao thông xuống cấp.
Do đó, hai thành phố vốn có truyền thống tắc nghẽn giao thông kinh khủng nhất trong khu vực Đông Nam Á có thể tìm kiếm giải pháp ứng dụng công nghệ như điện toán đám mây và AI để cải thiện tình trạng giao thông hiện nay.
Nếu như nhiều quốc gia khác trong khu vực cũng ứng dụng công nghệ để giải quyết vấn nạn tắc nghẽn giao thông, triển vọng Đông Nam Á sẽ dẫn đầu trong mô hình thành phố thông minh.