Cô gái 18 tuổi sắp cưới nhưng không thể làm 'chuyện ấy', bác sĩ cứu nguy bằng ca phẫu thuật và lời khuyên với những bạn gái cùng cảnh
E ngại con gái không thể “làm chuyện ấy” bình thường bố đẻ thiếu nữ gặp riêng hai bạn trai nói điều khiến người lẳng lặng bỏ đi, chàng kiên quyết ở lại.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Minh - Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình, thẩm mỹ và Hàm mặt (Bệnh viện E đa khoa Trung ương) cho biết, khoa vừa thực hiện phẫu thuật tạo hình âm đạo cho cô gái chỉ còn vài ngày là lấy chồng. Ca phẫu thuật thành công, hiện cô gái đang được theo dõi tại khoa với tình trạng sức khỏe ổn định.
Đi chăm con gái, bố bệnh nhân Nguyễn Trúc Mai (20 tuổi, ở Thái Bình) cho biết, gia đình phát hiện con gái “bất thường” khi đến tuổi dậy thì mà không có kinh nguyệt. Gia đình đưa con đi khám tại bệnh viện tỉnh, cả nhà sốc, bần thần khi biết con gái không có tử cung, không âm đạo.
Thời điểm đó, Mai còn nhỏ, chưa đủ 18 tuổi nên không thể thực hiện phẫu thuật. Vậy là học hết cấp 3, dù có hình hài của một thiếu nữ với chiều cao lý tưởng (hơn 1,6m) , khuôn mặt khả ái lọt mắt xanh nhiều chàng trai, nhưng cô bé trong mắt bố mẹ vẫn không khác “cá rô đực”…
BS Nguyễn Đình Minh (giữa) đang phẫu thuật cho BN Mai (Ảnh BS cung cấp) |
Thiếu nữ sau đó cũng yêu một thanh niên gần nhà. Bố cô quyết định nói chuyện thẳng với bạn trai con về khuyết tật của con gái mình.
“Khi tôi nói, con gái không thể quan hệ tình dục như bình thường được. Cháu có đồng ý không? Cậu ấy tưởng tôi nói đùa. Nhưng khi biết điều tôi nói là chính xác thì cậu ấy đã…lẳng lặng rút lui”, ông Hoan (bố Mai) kể lại.
“Khi tôi chia sẻ: “Con gái chú không có âm đạo, không thể quan hệ bình thường được. Cháu có đồng ý không?”. Người thanh niên trẻ tưởng tôi nói đùa, nhưng khi tôi chia sẻ một cách nghiêm túc, chàng trai ấy tự ý rút lui”, chú Hoan kể lại.
Gạt nỗi buồn chia tay mối tình đầu, Mai lên Hà Nội làm, cô lại yêu một thanh niên cùng quê khác. Giống như lần trước, ông bố lại gọi riêng bạn trai con ra nói chuyện.
“Bố mẹ nào cũng muốn con hạnh phúc. Thương con lắm, nên tôi càng không muốn con sau này phải khổ. Vì thế, tôi muốn nếu con lấy chồng thì phải là người thực sự yêu thương con, chấp nhật những tính cách, tồn tại kể cả khuyết tật của con.
Từng một lần thất bại nên lần này trước khi quyết định nói với người yêu mới của con, tôi nghĩ rất nhiều. Đến mức trầm cảm, mất ăn mất ngủ”, ông Hoan nhớ lại.
Không thể tin được, chàng trai ấy sau khi nghe bố bạn gái nói về tình trạng khuyết tật của người yêu, anh ta vẫn quả quyết “cháu vẫn đồng ý lấy Mai”.
Hai bạn trẻ quyết định ra Tết làm đám cưới. Mong cho con có cuộc sống sau hôn nhân trọn vẹn hơn, ông Hoan đã quyết định đưa con gái đi bệnh viện khắc phục khuyết tật bẩm sinh.
Là người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân, Ths. BS Nguyễn Đình Minh cho biết trước đó, bệnh nhân từng đến viện nhưng khi đó mới 16 tuổi, chưa đủ điều kiện thực hiện phẫu thuật.
Đến nay, bệnh nhân đã đủ điều kiện để thực hiện phẫu thuật. Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ tiến hành thăm khám, làm xét nghiệm và chẩn đoán bệnh nhân mắc Hội chứng Mayer Rokitansky Küster Hauser, nguyên nhân là trong quá trình phát triển trong bào thai, bệnh nhân bị thiếu hụt đoạn ống để hình thành tử cung và âm đạo.
Một vấn đề quan trọng khác trước khi thực hiện phẫu thuật là phải xác định giới tính thật của bệnh nhân. Bác sĩ Minh cho biết để xác định giới tính thì phải dựa vào 4 yếu tố: Thứ nhất là xét nghiệm nhiễm sắc thể (giới tính di truyền); Thứ hai là xác định qua việc thăm khám, đánh giá tuyến sinh dục, ở nam thì có tinh hoàn, ở nữ thì sẽ có buồng trứng (giới tính nguyên thủy); Thứ 3 là xác định hình thái của cơ quan sinh dục ngoài như tuyến vú, bộ phận sinh dục (giới tính nguyên phát) và cuối cùng là các biểu hiện bên ngoài sau tuổi dậy thì như giọng nói, tính cách (giới tính thứ phát).
“Với trường hợp này, cả 4 yếu tố đều xác định giới tính là nữ. Nhiễm sắc thể được xác định là 46-XX, có tuyến vú, âm hộ bình thường, tính cách và biểu hiện cũng là con gái. Đặc biệt, qua xét nghiệm bệnh nhân có buồng trứng bình thường, có thể sinh con bằng phương pháp mang thai hộ”, bác sĩ Minh cho hay.
Khi xác định đủ các điều kiện và yếu tố, bệnh nhân đã được tiến hành phẫu thuật. Đây là một ca phẫu thuật thường quy của các bác sĩ nên quá trình thực hiện không có gì khó khăn. Ca phẫu thuật kéo dài 1,5 giờ và chiều dài âm đạo của bệnh nhân sau khi tạo hình là 10cm.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên, bệnh viện E phẫu thuật tạo hình dị tật âm đạo cho bệnh nhân nữ.
Qua những trường hợp này, BS Minh khuyến cáo, mọi bất thường ở cơ quan sinh sản cần được khám và điều trị kịp thời. Vì thế, những phụ nữ có các dấu hiệu bất thường như: đến tuổi dậy thì nhưng không có kinh nguyệt, không quan hệ vợ chồng được… đều phải thăm khám sớm.
Hầu hết các dị tật "vùng kín" đều có thể phát hiện bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, CT scan, chụp X-quang và MRI được áp dụng trong những ca bệnh khó xác định.
“Để tạo hình âm đạo bệnh nhân cần qua tuổi 18 là lứa tuổi phù hợp để thực hiện kỹ thuật tạo hình này. Chi phí để thực hiện các xét nghiệm, phẫu thuật không quá tốn kém.
Vì vậy, những người có bất thường cơ quan sinh dục bẩm sinh cần đi khám để sớm phát hiện dị tật và có hướng chữa trị kịp thời. Tính nhân văn của việc tạo hình thành công âm đạo sẽ giúp cải thiện chất lượng sống của những người phụ nữ kém may mắn, giúp họ có thể tự tin trong đời sống tình dục, tạo cơ hội có thể thụ tinh nhân tạo và có con nhờ mang thai hộ”, Ths. BS Nguyễn Đình Minh nhấn mạnh.
N. Huyền