Chuyện xúc động của bác sĩ trẻ trải qua một năm lưu dấu suốt cuộc đời
Năm nay là một cái Tết đặc biệt khi cả thế giới phải gồng mình ứng phó với dịch Covid-19. Cũng vì dịch bệnh mà nhiều trí thức Việt ở nước ngoài mong mỏi được về quê nhưng mọi kế hoạch đều bị hoãn lại.
Infonet xin chia sẻ tâm sự ngày đầu năm của anh Phạm Nhật Quang (33 tuổi) là bác sĩ Răng Hàm Mặt công tác tại BV Răng Hàm Mặt Trung Ương Hà Nội (BV RHMTW HN) hiện đang du học tại Đài Loan.
Bác sĩ Phạm Nhật Quang |
“Cách đây 2 năm, vừa hết Tết Nguyên đán 2019 là mình tay nải tay bị, rời vợ và con trai sang Đài Loan du học theo diện bệnh viện cử. Để được bà xã “cấp phép” cho đi, mình cũng phải hứa hẹn sẽ đi đi về về liên tục.
Và trong năm đầu tiên 2019 – cũng là năm cuối cùng an bình trước khi dịch Covid ập đến – mình đi về 2 nước “như đi chợ” (cách anh em bạn bè đùa mình) với tần suất 3-4 tuần bên Đài là lại xách va ly về nước mấy ngày, vừa để thăm gia đình, vừa tiện thể thăm khám theo dõi bệnh nhân cũ.
Tết Canh Tý đến với gia đình mình kèm theo hai tin tức ở cấp độ bom tấn, một tin vui và một tin dữ – tin dữ là ông ngoại mình phát hiện bị ung thư phổi giai đoạn cuối; và tin vui là trong kỳ nghỉ Tết gần hai tháng, vợ chồng mình quyết định dự sinh em bé thứ hai và đã được “hai vạch” đúng ngày Valentine, trước khi mình quay lại Đài Loan cho học kỳ mới ba hôm.
Như thói quen, từ lúc chưa quay sang Đài là mình đã đặt sẵn vé về Việt Nam cho tháng 3 tranh thủ dịp nghỉ lễ Thanh Minh tảo mộ (Tomb Sweeping Day) của xứ họ.
Tuy nhiên tất cả đã thay đổi kể từ khi Covid xuất hiện. Những chiếc vé máy bay lần lượt bị lui một vài tuần, rồi hoãn vô thời hạn, và cuối cùng là hoàn hủy… Những tháng ngày đó, mỗi tối qua màn hình điện thoại, mình lần lượt nhìn cậu con trai 3 tuổi mỗi ngày mỗi khác, bệnh nhân giục giã mong mỏi, nhìn bụng vợ lớn dần, và nhìn ông ngoại héo hon dần.
Cũng chịu thôi, vì đâu phải chỉ mình mình ở cảnh như thế. Nhưng cũng quá may mắn cho mình, vào những ngày cuối cùng của ông trên dương thế, đơn đăng ký chuyến bay cứu trợ nhân đạo của mình đã được duyệt.
Sau 2 tuần cách ly ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, mình vội từ Tân Sơn Nhất đáp chuyến bay về Hà Nội sớm nhất rồi không kịp nghỉ, chạy vào bệnh viện thăm ông.
Đó là đầu tháng Tám. Ông ngoại vẫn tỉnh táo, dù gầy và xanh hơn, thở nặng nề nhưng cái nắm tay hôm đó vẫn còn rất có lực, câu nói vẫn còn “tương đối” dài. Ngày hôm sau, ông khó có thể ngồi dậy, ho nhiều, đàm lẫn máu. Ngày thứ ba, thời gian ông thở oxy nhiều hơn, khối u tắc ở phổi làm ông nói đứt quãng, cố dùng tay để biểu đạt.
Ngày thứ tư, nhiều lần huyết áp tụt, nhịp tim giảm xuống 0, tiếng máy theo dõi chỉ số sinh tồn báo động liên tục khiến các đồng nghiệp của Việt Xô đã nói gia đình chuẩn bị tinh thần và hậu sự.
Ông vẫn kiên trì được đêm hôm đó. Trưa ngày thứ năm tính từ khi mình về, bàn tay vẫn nắm lấy tay mình lạnh dần, hơi thở ông hóa thành thinh không…
Giữa tháng Chín, mình phải quay lại Đài Loan để hoàn thành luận văn bảo vệ Master, thề thốt với vợ rằng: “Đầu mùa lá rụng anh đi, bao giờ lá mới là khi anh về.”
Giữa tháng Mười, gia đình mình đón chào thành viên mới – cô con gái rượu bé bỏng ra đời. Lại một lần nữa dõi theo mọi thứ từ xa, lòng tự an ủi rằng đứa đầu đưa đẻ offline, đứa sau thì online cho có trải nghiệm phong phú! Cũng may là có sự hỗ trợ tuyệt vời cả về sức người lẫn sức của từ hai bên nội ngoại và giờ đã gần bốn tháng kể từ khi nhìn con gái lớn lên qua điện thoại.
Trường mình theo học là Đại học Quốc gia Thành Công (National Cheng Kung University), được thành lập từ năm 1931 và là trường đại học tổng hợp thuộc top một của Đài Loan cùng với các trường Đại học Quốc gia Đài Loan, Đại học Thanh Hoa, Giao Thông…
Có nhiều em bé sinh ra bên Đài Loan với bố mẹ là các du học sinh. |
Trường có Hội sinh viên Việt Nam (VSA) được thành lập từ 2006, là hội sinh viên Việt đông nhất (gần 300 người đang theo học và công tác tại trường từ hệ ngôn ngữ, hệ đại học, sau đại học, sau tiến sĩ) và lâu đời nhất tại Đài Loan (15 năm), đã tổ chức Tuần văn hóa đầu tiên ở xứ bạn.
Tháng Một và Hai, mình bảo vệ xong luận văn Master và hoàn thành thủ tục ra trường. Hàng năm, cứ đến dịp sát Tết thì chỉ có rất hiếm hoi các bạn sinh viên vì một vài lý do mà ở lại trường, còn đa phần anh chị em đều trở về Việt Nam đoàn viên “bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng”.
Nhưng năm nay một nỗi buồn lan tỏa cộng đồng sinh viên xa xứ, kể cả sinh viên đã tốt nghiệp kỳ vừa rồi - dịch ở Việt Nam cũng bùng phát lại, đồng thời các chuyến bay quốc tế gần như là đóng cửa.
Chính vì vậy, để tạo chút không khí ấm cúng cho những kẻ xa nhà, Hội sinh viên Việt Nam của trường mình cùng với hai trường khác ở thành phố Đài Nam và Cao Hùng làm khách mời đã hô hào anh chị em cùng tổ chức chuỗi các sự kiện tất niên – từ mua thịt, chặt lá chuối, làm đỗ làm nếp… để gói bánh chưng, tới mục Xin chữ ngày xuân với một giảng viên ĐH Quốc gia TP.HCM kiêm nhà thư pháp - mới nhập trường làm nghiên cứu sinh; tổ chức Trò Chơi Lớn gắn kết sinh viên Việt Nam của nhiều trường, cũng như tiệc liên hoan tất niên, văn nghệ, hái “lộc” đầu xuân… Không có hội đồng hương thì quá buồn.
Những chiếc bánh chưng được gói bởi rất nhiều anh chị em sinh viên Việt Nam tại Đài Loan. |
Cũng là một sự may mắn của mình khi được du học ở hòn đảo xinh đẹp Đài Loan, bởi từ năm 2020 đến giờ, khi mà tình hình Covid ngày một nghiêm trọng ở khắp nơi trên thế giới thì Đài Loan có thể coi là một trong những quốc gia chống dịch rất thành công.
Họ có sự theo dõi lịch trình dân cư nhập cảnh tốt, check in điện tử ở gần như mọi nơi, mức phạt nghiêm khắc, năng lực y tế cao, thêm vào vị trí địa lý độc lập không giáp biên với các quốc gia khác nên dễ dàng kiểm soát phong tỏa sự lây lan của Covid - được chứng minh bằng vài lần bùng dịch và khống chế dịch thành công trong năm 2020.
Chính vì vậy mình cùng các bạn sinh viên Việt Nam vào những lúc rảnh rỗi có thể tổ chức 1-2 chuyến dã ngoại hoặc tham quan các thành phố khác, chỉ cần tuân thủ việc đeo khẩu trang, rửa tay bằng cồn… tại các địa điểm công cộng”.
Bộ ảnh áo dài xuân của cô gái Hà Nội gợi nhớ Tết yên bình được dân mạng "like" nhiệt tình
“Đây là năm đầu tiên gia đình mình xa Hà Nội, xa Việt Nam lâu như thế, vì đại dịch” - chị Linh chia sẻ.
Hoàng Thanh (ghi)