Á hậu Miss Grand Vietnam Hạnh Nguyên: Mẹ là giáo viên tiểu học, cha dạy ĐH Đồng Tháp
Biến cố gia đình là động lực
- Đêm chung kết, câu hỏi của Hạnh Nguyên được nhận định khó nhưng bạn vẫn trả lời rất tốt. Làm thế nào để bạn giữ được bình tĩnh và tự tin trong phần ứng xử cũng như suốt cuộc thi?
Tôi từng làm MC, diễn giả truyền cảm hứng và có một thời gian làm việc ở Đại học Luật TPHCM. Những trải nghiệm này giúp tôi rèn luyện giọng nói và khả năng truyền đạt. Khi chuẩn bị cho cuộc thi, tôi đọc nhiều sách, báo về pháp luật để sử dụng từ ngữ chính xác, tăng thêm sự tự tin và bản lĩnh khi trả lời ứng xử.
Theo tôi, không có công việc hay buổi học nào là vô giá trị vì kiến thức luôn có ích trong tương lai. Tôi giữ thái độ cẩn trọng suốt cuộc thi. Tinh thần thi đấu nghiêm túc cũng là cách tôi thể hiện sự tôn trọng ban tổ chức.
- Gia đình và người dân quê nhà đã phản ứng thế nào khi biết bạn trở thành á hậu 1? Nếu có ý kiến cho rằng bạn xứng đáng đạt danh hiệu hoa hậu thì sẽ nói gì?
Cha mẹ, người thân và những người dân Đồng Tháp đều vỡ òa vì hạnh phúc, tự hào. Đây cũng là niềm vui lớn nhất của tôi trong hành trình này. Tôi muốn tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch cho quê hương và mong nhiều người biết đến tôi là một cô gái Đồng Tháp, một Á hậu 1 Miss Grand Vietnam 2024 có chiều sâu, lý tưởng sống tốt đẹp.
Bà con Đồng Tháp thường nói "nghĩa tình - năng động - sáng tạo" và tôi tin rằng trong hành trình này, mình đã tô sáng quan điểm đó.
Tôi mong mọi người sẽ nghĩ tôi đạt ngôi vị Á hậu 1 Miss Grand Vietnam 2024, chứ không phải đã dừng lại ở vị trí đó. Tôi hiểu rõ mục tiêu của mình nên đạt vị trí nào cũng mãn nguyện. Tôi tôn trọng ban tổ chức và mong công chúng hãy tin tưởng quyết định của ban giám khảo. Hoa hậu Võ Lê Quế Anh có sắc vóc, tài năng, chiều sâu và sức trẻ, đủ "chất liệu" mang hình ảnh người phụ nữ Việt Nam ra quốc tế.
- Sống trong một gia đình không trọn vẹn và tự lập từ sớm, Hạnh Nguyên nhìn nhận thế nào về trách nhiệm cá nhân và cách vượt qua những thách thức trong cuộc sống?
Năm 11 tuổi, tôi và anh trai sống cùng mẹ sau khi cha mẹ ly hôn. Sự vắng bóng của cha không hoàn toàn ảnh hưởng đến sự phát triển của tôi vì dù không còn ở bên nhau, hai người luôn quan tâm và hỗ trợ con cái. Hiện tại, tôi nỗ lực vượt qua định kiến về việc lớn lên trong gia đình không trọn vẹn bằng những thành tựu đã đạt được.
Lối sống tự lập là điểm tựa vững chắc cho cha mẹ. Trên thực tế, dù con lớn đến đâu, nhiều phụ huynh vẫn luôn xem chúng là những đứa trẻ. Với tôi, tuy đôi lúc thấy đơn độc nhưng nhìn thấy sự yên tâm của cha mẹ, tôi thấy quyết định tự lập sớm là đúng đắn khi được trải qua những va vấp và trau dồi kinh nghiệm từ sớm.
- Bắt đầu tự kiếm tiền từ năm 16 tuổi bằng việc bán trái cây, mỹ phẩm… có phải là lý do giúp bạn trở nên mạnh mẽ và bản lĩnh như hôm nay?
Biến cố gia đình cũng là một trong các yếu tố giúp tôi trở nên bản lĩnh và tự lập. Dù cha mẹ không ở bên nhau, tôi cảm thông, mạnh mẽ để họ yên tâm và tiếp tục cuộc sống riêng. Khi mới bán trái cây, tôi ngại tiếp xúc và không biết chào khách nhưng dần học được cách buôn bán, tính toán và trưng bày sản phẩm nhờ các cô bán hàng gần đó.
Từ cấp 3, tôi chuyển sang bán mỹ phẩm để phụ giúp gia đình. Khi vào đại học, việc kinh doanh trở nên dễ dàng hơn nhờ nền tảng học tập và môi trường mới. Mặc dù công việc giúp trau dồi kỹ năng, tôi vẫn ưu tiên học hành và coi biến cố gia đình là động lực để trở thành trụ cột tinh thần cho cha mẹ.
Mỗi giai đoạn trong cuộc đời, tôi luôn có mục tiêu khác nhau. Sau khi tốt nghiệp và làm việc trong ngành du lịch 2 năm, đại dịch đã làm mọi thứ chững lại. Vì kiến thức chưa đủ để nổi bật trong nghề, tôi quyết định học thạc sĩ.
- Vừa là quản lý phòng phát triển kinh doanh và theo học thạc sĩ, bạn cân bằng giữa sự nghiệp, học tập và tham gia cuộc thi sắc đẹp như thế nào?
Muốn cân bằng cuộc sống cần xác định mục tiêu rõ ràng. Trong 2 năm tới, tôi sẽ lấy bằng thạc sĩ để có bước tiến mới trong công việc và thêm nền tảng sư phạm. Hiện tại, tôi làm quản lý tại công ty du lịch 8 giờ mỗi ngày, học thạc sĩ 4 ngày/tuần và học thêm tiếng Anh, tiếng Trung vào cuối tuần. Khi tham gia Miss Grand Vietnam 2024, thầy cô hỗ trợ gửi bài giảng cho tôi sau mỗi buổi học.
- Đâu là nguồn cảm hứng khiến Hạnh Nguyên muốn theo đuổi con đường giảng dạy?
Mẹ tôi là giáo viên trường tiểu học, cha tôi là giảng viên của Đại học Đồng Tháp và nhiều người thân của tôi như cậu, dì, mợ đều làm giáo viên. Có lẽ, bà ngoại cũng thích con cái đi dạy và thích ngắm con mặc áo dài. Mẹ truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều về việc trau dồi kiến thức, tính khiêm tốn và lý tưởng sống. Theo bà, những gì mình đạt được không chỉ mang lại lợi ích cá nhân mà còn cho cộng đồng.
Từ nhỏ, chứng kiến mẹ tận tâm giảng dạy, tôi ấp ủ ước mơ trở thành giáo viên. Song khi thấy cha làm giảng viên ngành Việt Nam học, tôi lại đam mê du lịch hơn. Tôi mong được khám phá nhiều nơi và phát triển du lịch. Có thể một ngày không xa, tôi sẽ theo đuổi sự nghiệp giảng dạy giống cha mẹ.
- Việc xuất thân từ gia đình có truyền thống giáo dục có tạo áp lực cho Hạnh Nguyên?
Vừa là áp lực, vừa là động lực vì khi đi học, mọi người luôn kỳ vọng rằng con của giáo viên phải đạt kết quả tốt. Đó cũng là động lực cho tôi cố gắng và biến những suy nghĩ, hoài nghi thành sức mạnh.
Sau cấp ba, cha khuyên tôi học tại Đại học Đồng Tháp gần nhà và hy vọng con gái tiếp tục giảng dạy ở trường nhưng tôi đã từ chối. Xuất thân từ gia đình có nền tảng giáo dục vững chắc giúp tôi phát triển và dễ dàng hơn khi sống xa nhà.
Lo sự cầu toàn gây áp lực cho người khác
- Bạn đã từng gặp phải tình huống nào trong công việc hoặc cuộc sống mà sự cầu toàn của mình trở thành điểm yếu?
Tại cuộc thi, tôi luôn chuẩn bị chỉn chu, kỹ lưỡng nhằm thể hiện tính chuyên nghiệp và xem sự cầu toàn của mình là điểm mạnh. Nhưng đôi khi, sự cầu toàn khiến tôi mệt mỏi và tự hỏi liệu có nên giảm bớt không, tôi tin rằng muốn thấy sự hoàn hảo ở người khác, mình cũng phải trở nên hoàn hảo trong mắt họ. Vì vậy, tôi không ngừng nỗ lực và trau dồi kỹ năng lẫn nội tâm để ngày càng có giá trị hơn.
- Quan điểm của Hạnh Nguyên về "khả năng chữa lành" với mọi người và cuộc sống cá nhân thế nào?
Khi người bên cạnh muốn sẻ chia, tôi lắng nghe nhiều hơn và nói ít; ngược lại, khi họ cần lắng nghe, tôi sẵn lòng chia sẻ nhiều hơn. Tôi áp dụng cách này trong công việc và cuộc thi, sẵn sàng động viên khi ai đó gặp vấn đề.
Tại các buổi làm diễn giả, tôi chia sẻ đam mê ngành Tâm lý học, với mong muốn lắng nghe và thấu hiểu mọi người để trở thành nơi chữa lành và mang lại niềm vui cho họ. Đối với bản thân, nụ cười của người khác chính là cách chữa lành và sự đón nhận từ khán giả mang lại niềm vui lớn cho tôi.
- Tình yêu của Hạnh Nguyên hiện tại thế nào? Bạn có thể chia sẻ về quan điểm và mẫu bạn trai của mình?
Hiện tại, tôi chưa có người yêu vì lịch trình công việc và học tập bận rộn. Thời gian rảnh, tôi chỉ có thể gọi điện hỏi thăm gia đình ở quê. Trong tình yêu, tôi không có nguyên tắc cố định, mối quan hệ phải bắt nguồn từ sự gặp gỡ và đồng điệu giữa hai tâm hồn.
Tôi tin rằng cảm xúc và lý trí cần cân bằng. Lý trí giúp chọn mối quan hệ đúng đắn và lành mạnh, đồng thời mang lại sự yên tâm cho gia đình. Tôi cũng lo tính cầu toàn của mình có thể gây áp lực cho người khác nên phải điều chỉnh để duy trì sự thoải mái và năng lượng tích cực trong công việc.
- Dự án xây cầu bê tông tại Đồng Tháp là một hoạt động thiện nguyện đáng nhớ của bạn. Hạnh Nguyên có thể kể về những kỷ niệm, khó khăn gặp phải và cảm xúc khi thấy thành quả?
Sau thời gian dài sinh sống và làm việc ở TPHCM, tôi thấy quê mình còn nhiều nơi thiếu cầu để đi lại nên người dân phải qua kênh, sông bằng những thân cây tạm bợ và nguy hiểm. Khi tự tay đặt từng viên gạch xây cầu, tôi hạnh phúc vì góp phần giúp đỡ bà con có cuộc sống thuận tiện hơn, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của địa phương. Tôi hy vọng rằng mọi người và các tổ chức có thể chung tay giúp sức nhiều hơn nữa.
Hạnh Nguyên catwalk trong top 5 Miss Grand Vietnam 2024:
Ảnh: Nguyễn Huế