Chuyển đổi số công tác truyền thông về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Cần đẩy mạnh công tác truyền thông
Chương trình Giao lưu trực tuyến với chủ đề "Làm gì để chủ động ứng phó với xã hội già hoá dân số?" vừa được Tổng cục Dân số - Bộ Y tế phối hợp với Báo Điện tử Sức khỏe & Đời sống tổ chức chiều 15/12.
Đề cập tới công tác truyền thông về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, TS. Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, Bộ Y tế lưu ý: Tại Việt Nam, người cao tuổi chủ yếu sống tại gia đình (61,3% người cao tuổi sống chung với con cái) và hầu hết người cao tuổi đều có nguyện vọng được chăm sóc tại nhà. Người chăm sóc thường chính là người cao tuổi và con cháu của họ, đặc biệt là những người phụ nữ trong gia đình.
“Những người này cần được hỗ trợ mới có thể đảm đương được công việc chăm sóc người cao tuổi tại gia đình. Họ cần được thông tin đầy đủ về tình huống mà họ phải đương đầu và họ có thể nhận được sự hỗ trợ từ các cơ sở chăm sóc chính thức như thế nào. Vì vậy, chúng ta cần đẩy mạnh công tác truyền thông về nội dung chăm sóc sức khỏe người cao tuổi không chỉ cho người cao tuổi mà cả cho con cháu và người trẻ tuổi”, TS. Phạm Vũ Hoàng nhấn mạnh.
“Theo quy luật tự nhiên, khi tuổi càng cao sức khỏe càng suy giảm. Nếu nhu cầu nổi trội của thanh thiếu niên là học tập, thanh niên - trung niên là việc làm, thì với người cao tuổi là nhu cầu được chăm sóc sức khỏe. Do vậy, nội dung truyền thông về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cần chú trọng vào các bệnh thường gặp của người cao tuổi, chế độ dinh dưỡng cho người cao tuổi, các bài tập cho người cao tuổi, các thông tin về phòng và chăm sóc người cao tuổi trong trường hợp dịch bệnh, bão lụt, các thông tin kết nối đến các cơ sơ chăm sóc sức khỏe, bác sỹ gia đình...”, ông Hoàng chia sẻ thêm.
Với góc nhìn của chuyên gia lão khoa, TS.BS Trần Viết Lực - Phó Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương khuyến nghị một số nội dung truyền thông cần chú trọng trong các buổi tư vấn cho người cao tuổi, gồm: Tình trạng sức khoẻ và sức khoẻ dự trữ của người cao tuổi; Tự kiềm chế, tránh các stress; Phòng ngã và tai nạn giao thông; Đảm bảo giấc ngủ hợp lý; Chú ý dinh dưỡng và ăn uống ở người có tuổi; Lưu ý về việc dùng thuốc ở người có tuổi; Sự quan tâm của gia đình và xã hội đối với việc chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi; Mạng lưới y tế chăm sóc người cao tuổi…
Ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả
Phân tích sâu hơn về công tác truyền thông chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, TS. Phạm Vũ Hoàng lưu ý: Các phương tiện, cách thức truyền thông cần phù hợp với từng vùng, từng đối tượng. Có thể thông qua tài liệu, sách báo, phim ảnh, các phương tiện thông đại chúng, truyền thông trực tiếp qua đội ngũ tuyên truyền viên, cộng tác viên dân số, các nền tảng mạng xã hội, các fanpage, các ứng dụng trên điện thoại di động...
Ông Hoàng cho biết, trong bối cảnh Việt Nam có tới hơn 70% dân số Việt Nam sử dụng Internet trong cuộc sống hàng ngày, với thời lượng trung bình là gần 7 giờ/ngày, ngành Dân số đã thực hiện những chiến dịch truyền thông giáo dục theo xu hướng mới, áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Cụ thể: Triển khai cung cấp thông tin, tương tác trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Youtube, Zalo, Tiktok...), trên các phương tiện truyền thông của Báo Sức khỏe và Đời sống, trang điện tử giadinh.net.vn, các trang thông tin điện tử (cpcs.vn, gopfp.gov.vn)… cũng fanpage của Tổng cục Dân số.
Tổ chức thiết lập hệ thống thông tin hỗ trợ trên Internet; Tư vấn, giải đáp và hướng dẫn kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi tại cộng đồng…
“Việc đổi mới công tác truyền thông theo xu hướng áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số bước đầu đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Đây là cách tiếp cận hiệu quả, phù hợp với sự phát triển của xã hội và có thể mở rộng truyền thông đến đa dạng đối tượng hơn”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số khẳng định.
Anh Duy